Đứa bé ấy không phải con ruột của Cao Nhơn. Vụ kiện yêu cầu xác định cha ruột cho con của anh này cũng gần như… kết thúc.
Đây là một sự thật gây sốc với anh Cao Nhơn và gia đình anh. Bởi từ tháng 2-2019 đến nay, anh và gia đình gần như không có ngày nào yên ổn.
Mẹ anh Cao Nhơn, bà H., kể: “Khi được phía giám định cho hay tin bé không phải máu mủ nhà tôi, tôi quá sốc. Từ khi có thông tin nó chính là cháu nội ruột của tôi, cả nhà đã quên ăn mất ngủ tranh thủ xin lại đứa bé. Con trai tôi còn bố trí cả một cái phòng với nôi, nệm, chăn gối, áo quần cho bé”.
Phát biểu về kết quả xét nghiệm ADN, bà H. nói: “Cái hôm tòa báo tin đi lấy mẫu xét nghiệm, họ báo bất ngờ và làm quá nhanh nên tôi không kịp chứng kiến việc lấy mẫu. Đó là điều tôi còn băn khoăn. Giờ chúng tôi đang cố tìm mẹ bé để nhờ xác định lại lần nữa. Mẹ nó vẫn khẳng định là con của Cao Nhơn thì tôi đề nghị giám định lại lần nữa”.
Những người từng quỳ lạy xin lại bé gái vì cho rằng là con ruột mình (CTV).
“Giả sử đó là sự thật, bà có ân hận những việc làm đã qua?”- chúng tôi hỏi. Bà H. nói: “Chúng tôi chỉ thấy tức giận vì sao người mẹ ấy lại bảo đó là con của Cao Nhơn - con trai tôi. Nếu nói thật thì gia đình tôi đâu phải vất vả, tốn quá nhiều công sức trong thời gian qua. Nhưng tôi cũng không thấy ân hận, vì những việc làm đã qua là tất nhiên với những ai biết giá trị của tình thâm ruột thịt”.
Có lẽ câu chuyện giành đứa bé bị bỏ rơi ở Cà Mau sẽ khép lại sau kết quả xét nghiệm ADN này. Nhưng qua đó, qua cuộc tranh giành có lúc gay cấn, phức tạp ấy, chúng ta nhìn thấy những giá trị rất nhân văn, về tình thương con người, tình máu mủ ruột rà và cả sự cẩn trọng về mặt pháp lý của nữ chủ tịch phường - người nhận cháu bé làm con nuôi.
Tháng 1-2019, một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Vị nữ chủ tịch phường đã nhận bé làm con nuôi theo thủ tục quy định.
Hai tháng sau, bà H. cùng con trai tên Cao Nhơn bảo rằng đã hỏi người mẹ bỏ rơi và khẳng định bé gái này là con ruột của Cao Nhơn. Họ nhận lỗi với vị nữ chủ tịch phường về hành động bỏ rơi bé gái, họ van xin, lạy lục để xin lại đứa cháu ruột rà máu mủ của mình.
Vị nữ chủ tịch phường giữ nguyên tắc nếu phía Cao Nhơn chứng minh được bé gái là máu mủ thì bà sẽ xem xét giao lại. Sự giằng co kéo dài, không ngã ngũ. Cao Nhơn khởi kiện nhờ tòa án xác định bé gái là con ruột của mình…
Tất cả cái đó, suy cho cùng là sự giành lại quyền và trách nhiệm nuôi dưỡng bé gái, vì tình thương và trách nhiệm trước một mầm sống mới. Bé gái, từ chỗ bị bỏ rơi, bỗng trở thành tâm điểm giá trị để những người lớn mất ăn mất ngủ tranh thủ giành về nuôi dưỡng, chăm nom.
Chiều 26-6, qua điện thoại, vị nữ chủ tịch phường trong câu chuyện này bảo bà “không có ý kiến gì thêm”.
Tôi cũng nghĩ mình không nên hỏi gì thêm mà chỉ cầu chúc cho cháu bé được hạnh phúc bên gia đình mẹ nuôi và cả bà chủ tịch phường cũng có quyền hạnh phúc bên thành viên mới dễ thương, kháu khỉnh.