Tây Du Ký là một bộ phim đòi hỏi kỹ xảo rất nhiều vì trong phim có quá nhiều khung cảnh về thiên cung, hội bàn đào,... trong khi đó, 30 năm về trước, để thực hiện bộ phim này, đoàn làm phim luôn trong cảnh thiếu thốn.
Vì vậy, cái gì tự làm được thì cả đoàn sẽ cùng nhau làm thủ công, thậm chí diễn viên chính còn kiêm luôn vai quần chúng.
Đặc biệt, sản phẩm thủ công được xuất hiện trong phim khiến họ tự hào hơn cả, chính là vườn đào tiên và quả đào tiên khổng lồ.
Trái đào tiên 9000 năm mới kết quả trong Tây Du Ký.
Nếu ai đã từng là fan của Tây Du Ký chắc chắn sẽ không thể quên được vườn đào tiên khổng lồ quý giá với khói sương phủ đầy. Những quả đào tiên hàng vạn năm tuổi mới kết trái sai trĩu quả, to khổng lồ.
Trong nguyên tác chương 5 - Phá vườn đào, Ðại Thánh trộm linh đơn loạn cung trời, chư thần bị bại trận, có miêu tả "Nội vườn cộng hết thảy là 3.600 cây, phía trước 1.200 cây bông trái nhỏ, 3.000 năm mới chín một kỳ, ăn nó thì thành tiên, nhẹ mình mà thêm sức.
Còn giữa vườn 1.200 cây kết bông, bông trái có từng, trái ngọt lắm, 6.000 năm mới chín một kỳ, ăn nó thì bay như chim mà trường sinh bất lão. Còn phía sau 1.200 trăm cây kết quả, 9.000 năm mới chín một kỳ, trái có gân màu tía, nhỏ hột hơn hết, ăn nó thì sống bằng trời đất".
Để thực hiện sao cho đúng cảnh vườn đào của Ngô Thừa Ân, đạo diễn Dương Khiết đã mất ăn mất ngủ, lao tâm khổ tứ suy nghĩ.
Dương Khiết muốn vườn đào tiên phải mang cốt cách "thần thánh" và tiên khí. Chưa kể bà còn yêu cầu phải có cảnh Tôn Ngộ Không cắn quả ăn cho khán giả thích thú.
Đó là bài toán nan giải cho cả đoàn làm phim bởi việc tìm một vườn đào thật có quả khổng lồ ăn được để quay phim vào thời điểm đó là bất khả thi, chưa kể nếu có thì đoàn cũng không đủ kinh phí để thuê vài ngày quay phim.
Cuối cùng, đạo diễn Dương Khiết cùng tổ kỹ thuật mới nảy ra sáng kiến làm quả đào giả bằng tre và bột giấy màu.
Những thanh tre được đan kết thành hình cầu, sau đó dùng dây thép cố định và dán giấy bìa phủ ngoài.
Để quả đào giống thật, sau khi quét sơn, đào làm phim đã phủ thêm bên ngoài một hỗn hợp bằng gốm và đồng giúp lên hình trông ngon mắt, hấp dẫn và giống quả đào thật trong nguyên tác cũng như trong các bức ảnh truyền thống của Trung Quốc.
Vậy là công cuộc làm đào bắt đầu, tất cả mọi người cùng tham gia làm thủ công những trái đào tiên, không trái nào giống trái nào, to tròn căng mọng.
Những quả đào đã sẵn sàng, câu đố tiếp theo là nghĩ cách làm sao để có được một vườn đào tiên khổng lồ với khói sương phủ đầy.
Sau khi bàn bạc tính toán, đạo diễn Dương Khiết quyết định thuê địa điểm tại cung thể dục thể thao của trường Dục Anh (nay là Trường THCS số 25 thuộc quận Hải Định, Bắc Kinh).
Tại đây, các chuyên gia bối cảnh, đạo cụ, ánh sáng đã sắp xếp và cải tạo đơn giản toàn bộ diện tích cung thể thao của trường để có thể bố trí đạo cụ, máy móc cho việc ghi hình, bao gồm hệ thống chiếu sáng, máy ghi âm, phông nền dạng tròn, hệ thống phụt khí CO2 nén bao quanh tứ phía được treo trên trần tạo cảnh bầu trời.
Theo đó các chuyên gia thiết kế mỹ thuật của đoàn với người đứng đầu là Mã Vận Hồng đã cử nhân viên khảo sát một vườn đào ở ngoại ô Bắc Kinh, mua hàng chục gốc đào về cung thể thao.
Sau khi tổ đạo cụ "trồng" những gốc đào thật trong cung khiến cả ê-kíp ngỡ như đang chứng kiến một vườn đào thật.
Tuy nhiên thời hạn quay phim thì dài mà hạn của những lá đào thì ngắn, nên đạo diễn Dương Khiết cho mọi người vặt trụi lá đào thật sau đó làm lá giả tạo thành từng tán, từng chùm gắn lên thân cây.
Nhờ những quả đào giả làm theo cách thủ công bằng tre và bột giấy nên khá nhẹ, nên khi gắn chi chít vào thân, cành cây đào thật thì chúng cũng không làm gãy hay sà xuống đất nên khi lên phim rất đẹp mắt, tự nhiên.
Đặc biệt khi kết hợp với phông nền bầu trời xanh dạng vòm trên trần nhà cùng hiệu ứng ánh sáng và mây khói, cảnh vườn đào tiên càng trở nên sống động, tạo cảm giác như chốn thần tiên vô cùng kỳ ảo.
Tuy nhiên, cái khó hơn nữa ở phân cảnh đào tiên này là Tôn Ngộ Không phải cắn đào ăn thật.
Vậy thì làm sao để Lục Tiểu Linh Đồng có thể cắn một quả giả để ăn ngon lành, lại tạo ra âm thanh xoạt xoạt khi nhai để người xem cảm thấy chân thật và thích thú đây?
Khi ghi hình, Lục Tiểu Linh Đồng buộc phải hướng phần quả đào thật về phía miệng và ăn một cách ngon lành, trong khi phía quả đào giả sẽ quay hướng ra phía ống kính máy quay.
Trên sóng truyền hình, những quả đào tiên mà Tôn Ngộ Không ăn trông giống hệt những quả đào tiên thật, thậm chí còn đọng vân nước trong lúc ngấu nghiến thưởng đào.
Để có được những hình ảnh đáng giá đấy, ở phía sau là công sức, sự cố gắng và trí tuệ của một tập thể những người yêu thích và say mê nghệ thuật.