Tự nhận mình “giống như con nhím, biết xù lông để tự vệ, nhưng bình thường khép kín, ít nói và có khuôn mặt lạnh”, chị Bùi Thu Hiền (sinh năm 1990) là cô gái có nội tâm rất ấm áp, phong phú và rực rỡ sắc màu.
Chị chính là tác giả bút danh Tuệ Nhi của rất nhiều câu chuyện ý
nghĩa mà cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ gần đây như bức tâm thư gửi các single
mom của người con 27 năm mang họ mẹ, anh “soái ca cắt tóc vỉa hè”, hay tâm sự nổi
tiếng của một ông chồng thương vợ bị xấu xí sau sinh… Một cô gái không có tiền
vào Đại học nên phải gói ghém ước mơ cầm bút vào sâu trong tim, chỉ biết giãi
bày qua từng status trên facebook, bỗng nhiên “nổi tiếng” nhờ những câu chuyện
nhỏ nhắn dung dị, rồi ngày càng được nhiều người yêu thích, đặc biệt là độc giả nữ.
Chân dung Thu Hiền (bút danh Tuệ Nhi) - tác giả những câu chuyện gây sốt trên mạng gần đây
Cô
gái nhỏ “lớn lên trên sự phản bội, trưởng thành trong sự hi sinh”
Bùi Thu Hiền sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thuỷ
Nguyên, Hải Phòng trong một gia đình nghèo neo đơn có 3 người phụ nữ, đó là bà
nuôi, mẹ ruột và chị. Tuổi thơ của chị không êm đềm hạnh phúc như bao đứa trẻ
khác, bởi từ lúc chưa cất tiếng khóc chào đời chị đã mồ côi cha. Nói đúng hơn
là có cha nhưng không được thừa nhận. Mẹ chị mang bầu rồi đẻ con trong sự ghẻ lạnh
vô tình.
Những ngày tháng thơ ấu của cô bé Hiền ảm đạm và nhiều
nước mắt, là sự cô đơn và già dặn trước tuổi nơi xóm nhỏ buồn tẻ. Năm chị 5 tuổi,
mẹ chị bị tai nạn xe, mất khả năng lao động, đến giờ thì bị liệt đã 2 năm trời.
Chị quanh quẩn với quán nước nhỏ của mẹ và bà để sống qua ngày.
Lớn lên một chút, chị biết mình không có bố, mọi người
bảo bố chị sống cách đó vài bước chân, nhưng chưa bao giờ thăm nom hay chỉ nhìn
thoáng qua. Từ lúc học mẫu giáo 5 tuổi cho đến tận cấp 3, chị toàn tự đi học,
suốt hơn 12 năm trời chưa bao giờ có ai đi họp phụ huynh, dù chị học rất giỏi
và luôn nỗ lực hết mình. Chị ngậm ngùi nhớ về quãng ký ức vui buồn lẫn lộn.
“Vì
gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên mình được miễn giảm học phí, luôn được thầy
cô ưu ái quan tâm. Dù không được bố mẹ kèm cặp bảo ban như các bạn, mình vẫn cố
gắng học tốt và ngoan để bà, mẹ không buồn. Kỷ niệm mình nhớ nhất là lớp 5 đạt
học sinh giỏi, được học bổng tận 500 ngàn. Hồi đó số tiền ấy có giá trị rất lớn”.
Chuyện đời cô gái gốc Hải Phòng như một cuốn sách đầy bi kịch hết trang này tới trang khác...
Rồi sau đó có những khoảng thời gian khó khăn liên
tiếp ập xuống mái nhà tồi tàn của 3 người phụ nữ, mà chị Hiền không thể nào
quên được. Ngoài quán nước nhỏ thì bà và mẹ chị còn đi nhặt phế liệu về bán đồng
nát.
“Mỗi
sáng bà với mẹ dậy từ 4-5 giờ, nhặt những bao rác người ta để ở ngoài đường
mang về nhà và lọc lấy giấy vụn, chai lọ bán sắt vụn gom từng đồng bạc lẻ. Điều
ám ảnh nhất trong tâm trí mình là đôi bàn tay của bà và mẹ, đen đúa trong dầu mỡ,
nứt nẻ suốt mười mấy mùa đông. Bà và mẹ cố gắng làm mọi thứ để mình có cuộc sống
bình thường như bạn bè. Còn nhỏ xíu mình đã hiểu sự hi sinh khổ cực của bà và mẹ,
nên chỉ biết chăm học, thiếu thốn sự quan tâm nhưng mình lớn lên đàng hoàng, tử
tế”.
Kể tới đây đôi mắt chị Hiền đã hoe đỏ, người nghe
cũng không cầm được lòng. Trong ký ức chị là những vết thương chằng chịt, là những
mất mát đau thương mà chị không muốn vứt bỏ nhưng mỗi khi chạm vào lại tứa máu.
Bởi tất cả đau thương ấy được bao bọc bởi ngàn vạn sợi dây thép gai vô hình,
rèn luyện cho chị sự mạnh mẽ, cứng cỏi, như chị từng viết trong truyện của mình là “lớn lên trên sự bội
bạc, trưởng thành trong sự hi sinh”.
Thế rồi cái nghèo đèo thêm cái eo, bà chị đổ bệnh, nằm
viện không bao lâu thì bị trả về nhà. Trụ cột trong gia đình mất đi, chỉ còn mẹ
và chị bươn chải mưu sinh. Mỗi sáng sớm, trước khi đi học, cô bé Hiền nhỏ tí
xách cái làn to đùng ra chợ, tay cầm mảnh giấy mẹ đã ghi sẵn những thứ cần mua.
“Có
lần mình làm rơi tiền, sợ quá không biết làm sao, trời thì mưa rào, cứ mặc áo
mưa đứng giữa chợ khóc. Và nhớ nhất là những bữa cơm buổi trưa đi học về. Mẹ
đưa cho 2000, bảo chạy đi mua 500 canh, 500 rau, 1000 cá hoặc thịt. Bà ốm chẳng
có gì tẩm bổ, mẹ xẻ đôi khúc cá cho bà 1 nửa, con gái 1 nửa”.
Đó là những ngày nước mắt lẫn cùng cơm phủ đầy trong
ký ức chị Hiền. Chị lên lớp 7 thì bà nuôi qua đời. Ngôi nhà xiêu vẹo tồi tàn
chưa một ngày có bóng đàn ông lại mất đi hơi ấm người phụ nữ mà chị kính yêu nhất.
Chỉ còn lại chị và người mẹ tật nguyền nương tựa vào nhau cho đến khi chị trưởng
thành.
Khoảng
tối âm u mang tên “cha”
Ngày nhỏ, đôi khi cô bé Hiền bị trêu chọc là đứa trẻ không cha, mồ côi bố…song chị vẫn luôn kiên cường. Chị đã quên đi cảm giác tủi thân, mặc cảm vì thiếu thốn bàn tay người bố. Mẹ chị chưa bao giờ than thở hay trách móc người đàn ông bội bạc, và chị cũng muốn mẹ được sống thanh thản. Và điều khiến chị từng sốc nhất là bố chị ở căn nhà ngay đối diện, qua đường cách vài bước chân.
Dù chuyện đời nhiều bất hạnh, song chị Hiền luôn lạc quan tươi cười và không cho phép mình gục ngã
Chị chỉ nghe loáng thoáng rằng, mình là kết quả của
tình yêu thời trẻ giữa mẹ và người đàn ông ấy. Khi mẹ chị có thai thì ông ta đi
lính, trở về ông nhất quyết chối không nhận chị là con. Một thời gian sau thì
người bố “hữu danh vô thực” đó cưới vợ khác. Gia đình ông ta nhận mẹ con chị,
nhưng ông ta thì nhất quyết không. 27 năm qua trên giấy khai sinh và mọi thủ tục
khác chị đều mang họ mẹ, trống phần tên cha.
“Nếu bảo không hận là nói dối, nhưng ngày xưa bé quá, mình chỉ nghĩ ra cách thế này. Phải học giỏi, tất cả mọi thứ phải hơn con ông ta, phải khiến ai cũng chỉ trỏ vào mình rằng “đấy, nó không có bố mà được như thế đấy”. Hồi lớp 7 mình còn được lên truyền hình VTC cơ, học sinh nghèo vượt khó. Vì ở quá gần nên ông ấy biêt hết cả, nhưng không phản ứng gì. Mình nghĩ chỉ cần làm vậy thôi, còn lại thì không để ý. Thậm chí còn mua bim bim cho con trai ông ấy, cứ gặp ở hàng quán là mua, mà chẳng hiểu sao lại thế. Có lẽ vì mình là con gái, bao dung và dễ mủi lòng. Nếu mình là con trai, biết đâu lại khác…”.
Dù thế nào thì cô bé Hiền cũng là đứa trẻ có tấm
lòng cao thượng. Nhiều em nhỏ hư đốn vì thiếu sự quan tâm chăm sóc, nhưng chị vẫn
ngoan ngoãn, lễ phép với người ngoài, biết thương mẹ, và suy nghĩ già dặn hơn
tuổi bởi hoàn cảnh đặc biệt. Chị không đau khổ bị luỵ vì thiếu cha, chị coi đó là cơ hội để trở thành người độc lập, bản lĩnh hơn.
Tốt nghiệp phổ thông xong, nhà không có tiền nên chị không thi Đại học. Chị học rất giỏi môn văn, dù phải chịu cảnh ăn đói mặc rách song tâm hồn chị lại vô cùng phong phú, lạc quan, rực rỡ sắc màu. Gác lại ước mơ cầm bút, chị làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi mình, chăm sóc mẹ già ốm yếu.
“Lần đầu tiên đi làm thuê, mình làm gội đầu ở tiệm. Lúc ấy còn non nên hay than thở, chủ tiệm đã nói thẳng vào mặt mình một câu xương máu để đời: bằng cấp không có, tiền không có thì đừng mơ gì hão huyền cao sang. Trước mặt bao người mình đã tủi thân rơi nước mắt. Từ đó mình dần ngẫm, ra xã hội không tiền không địa vị, ai cũng dễ làm mình tổn thương. Mùa đông đầu tiên, gội nhiều nên tay mình nứt nẻ tứa máu, đau không tả xiết, tối về toàn ôm tay nằm khóc. Da con gái dậy thì trắng mịn mà lúc đó trở thành khô cong, nhăn nheo như tay bà lão. Bạn bè mình nhìn mà sợ hãi, mỗi lần bôi kem cảm giác bỏng rát bây giờ vẫn nhớ nguyên”.
Chị từng làm thợ gội đầu, trang điểm...với mức lương bèo bọt
Vất vả quần quật từ 8h sáng đến 8h tối, nhưng số tiền
chị Hiền kiếm được lúc ấy chỉ được 1 triệu rưỡi. Đấy là còn nhiều, ban đầu chỉ
có 800 - 1 triệu, chị phải rất tằn tiện mới đủ vun vén cho 2 mẹ con. Nhà chẳng
còn ai, chị cũng từng trải qua vài mối tình, chỉ mong tìm được một bờ vai vững
chắc dựa vào, nhưng có lẽ sự tổn thương từ người mang tên gọi là “cha” gây ra
cho chị quá lớn, nên chị cảm giác sâu thẳm trong tim, có một nỗi sợ hãi vô hình
với bất kỳ người đàn ông nào bước vào đời chị…
Ước
mơ nảy mầm từ những kẽ nứt tâm hồn
Gần 30 tuổi, đáng lẽ chị Hiền đã lập gia đình, và sống
hạnh phúc như nhiều cô gái khác. Song do số phận éo le nên nhà chị vẫn mẹ goá
con côi, chị làm kinh doanh nhỏ kiếm tiền mưu sinh, cuộc sống độc thân tạm ổn. Cô bé nghèo ngày nào đã trưởng thành, xinh đẹp mặn mà hơn, và không cho phép mình bị tổn thương bởi bất kỳ điều gì nữa.
Sinh ra đã là đứa trẻ đa sầu đa cảm, thấy người ta
khóc cũng khóc theo, chị rất thích đọc sách và nghe kể chuyện, nhiễm tính suy
tư. Có lẽ phần lớn cũng do trải nghiệm của chính bản thân chị, va chạm nhiều, tổn
thương nhiều, nên chị hay viết lách linh tinh lên trang cá nhân. Chẳng hiểu
duyên thế nào, bạn bè thích những bài tản
mạn trên tường facebook của chị, từ vài người chia sẻ ban đầu, bây giờ lên đến
hàng chục ngàn người share nhau mỗi khi chị viết status mới.
“Khi
biết là những câu chuyện nhỏ mình viết ra được nhiều người yêu mến, lan truyền
trên mạng, mình vui lắm. Vui vì mình viết ra những thứ có giá trị tâm hồn, có
thể làm rung động người đọc. Tâm huyết của mình được công nhận, và ước mơ cầm
bút viết đã nở hoa”.
Nữ tác giả nghiệp dư gốc Hải Phòng xinh đẹp
Cô gái Hải Phòng không bao giờ viết kiểu lên mặt dạy đời, chị thường góp nhặt những mẩu chuyện nhỏ xinh nhưng đầy ý nghĩa trong cuộc sống đời thường quanh mình để đúc rút ra những quan điểm, góc nhìn riêng. Có thể là cảm hứng từ một bức ảnh, một tin nhắn cô vợ trẻ nào đó gửi chồng, hay là anh cắt tóc hàng xóm cạnh vách.
Văn
phong của chị rất đặc trưng, ngắn gọn, hài hước nhưng luôn pha trộn cả sự châm
biếm sâu cay về nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống, phù hợp thị hiếu nhiều
người, nhất là phái đẹp, như các bài học về tình yêu, hôn nhân gia đình...Tất cả những bài viết của chị đều được cộng đồng mạng tham gia chia sẻ, bình luận khá nhiều, ngày càng thu hút sự chú ý, và hiện tại trang cá nhân của chị Hiền đã lên đến gần 200.000 lượt theo dõi.
Bạn bè, những người quen biết thường bảo chị điên
điên. Nhưng cái “điên” ấy được trui rèn sắc nét, gai góc từ trăm ngàn đau
thương mất mát chị từng trải qua trong cuộc đời, nên chị yêu ghét rất rõ ràng, có
cái tôi chắc nịch, một khi đưa ra quan điểm là sẽ bảo vệ đến cùng. Có lẽ chị là
mẫu phụ nữ khó chinh phục, khó yêu, bởi chị luôn tiếp cận tình cảm ở góc độ
khác với người bình thường, thận trọng và kín đáo. Nhưng nếu người đàn ông nào
có được chị, hẳn anh ta sẽ rất hạnh phúc. Bởi chị có tâm hồn trong sáng, dịu
dàng và biết suy ngẫm mọi điều trong cuộc sống.
Đơn độc nhưng vô cùng mạnh mẽ. Dùng lý trí để yêu thương, nhưng hơi thở, bờ môi vẫn chưa thôi nồng nhiệt .
Họ sống tự do theo cảm xúc của bản năng. Sẽ bung mình nở rộ như hoa cuối mùa, cuốn hút đàn ông vào những cơn mê tình đầy mộng mị.
Họ là yêu tinh trong khu vườn trái cấm đã chín đỏ ....ánh mắt lúng liếng gọi mời, níu giữ chân người chẳng muốn rời đi"
- Bùi Thu Hiền -