Nhắc đến loài bò cạp là chúng ta nhắc ngay đến 2 từ: Tránh xa! Bởi bò cạp vô cùng nguy hiểm, nọc độc của chúng có thể gây chết người, nếu không phải người có kinh nghiệm bắt giữ thì chẳng ai dám lại gần.

Thế nhưng lại có nhiều trường hợp bọ cạp chủ động tiếp cận con người. Tối 18/5, tài khoản Facebook N.T.K.Oanh đã đăng tải lên mạng xã hội câu chuyện có 1 con bọ cạp lớn bò vào phòng chị, thậm chí tiến sát lại gần nơi con trai chị đang ngồi chơi khiến nhiều người hoảng sợ.

Câu chuyện được chị Oanh kể lại: "Đang ngồi nghe nhạc thấy con khóc thét lên, ngó ra thấy con bọ cạp bò gần nó mà hết hồn. Bế sốc lên tưởng con bị cắn, điên quá vớ con dao đập 2 phát chết tươi. Huhu, hên quá không bị cắn mà là nó sợ nó mới khóc, lỳ như đứa khác bốc lên chơi có mà giờ mẹ không biết phải làm sao nữa".

Bé 1 tuổi khóc thét lên giữa đêm, mẹ thất kinh khi nhìn thấy bọ cạp còn sống ngay cạnh con mình - Ảnh 1.

Bài viết của chị Oanh trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình.

Trong loạt hình ảnh và clip được Oanh đăng tải, con bọ cạp có kích thước lớn, toàn thân màu đen nhánh. Bò cạp vốn là loài vật vô cùng nguy hiểm, người lớn còn phải tránh xa, trẻ con bị cắn hậu quả thật khôn lường.

Câu chuyện của chị Oanh chia sẻ khiến cộng đồng mạng sợ hãi. Nhiều người chúc mừng 2 mẹ con chị bình an vô sự, đồng thời khuyên chị nên có biện pháp để tránh những trường hợp tương tự xảy ra tại nhà mình.

Chị N.B viết: "Đáng sợ quá, may bé không sao chứ mà bị cắn thì quá đau lòng. Mẹ nó nhờ đàn ông, người già sang giúp xem có còn con nào không, hoặc có khi 2 mẹ con tạm lánh đi 1 đêm, nhỡ đâu vẫn còn con khác".

"2 mẹ con không sao là tốt rồi, nhờ phúc đức tổ tiên. Xem xem con bọ cạp nó bò vào từ đường nào rồi bịt lại đi, rõ khổ, nhà có 2 mẹ con mà lại gặp cảnh này" - chị K.L chia sẻ.

Video: Con bọ cạp còn sống bò vào nhà chị Oanh - Nguồn: FBNV

Bên cạnh đó, nhiều người cũng nhắc nhở nhau nên coi đây là bài học về cách bảo đảm an toàn cho gia đình mình.

Anh V.M.H nêu ý kiến: "Nhà nào gần bờ sông, cây cối rậm rạp thì nhớ vệ sinh thường xuyên, đêm đến là nên đóng hết cửa vào. Mấy loài bọ cạp, rắn rết hay hoạt động đêm, cứ chỗ ẩm thấp là nó bò đấy".

 Con bọ cạp đã bị chị Oanh đập chết ngay sau đó - Ảnh: FBNV

 Liên hệ với chị N.T.K.Oanh (quận Thủ Đức, TP.HCM) là người đã chia sẻ câu chuyện trên lên mạng xã hội, chị Oanh cho biết sự việc xảy ra vào khoảng 11h tối ngày 18/5 vừa qua, thời điểm này chỉ có chị và cậu con trai 1 tuổi ở nhà.

"Nhà mình thuê trọ ở quận Thủ Đức ở cũng 1 thời gian rồi, tối nay chỉ có 2 mẹ con ở nhà, thấy con khóc mình nghĩ con bị cắn rồi nên tức quá lấy dao chém vào đầu con bọ cạp, thấy nó vẫn cựa quậy nên đập thêm cái nữa. May mắn con mình không bị sao, chỉ bị sợ nên khóc thôi.

Trước nhà mình cũng hay có vài con rết nhỏ bò vào nhà, nay có cả 1 con bọ cạp như thế chắc mình sẽ phải đưa con về quê để ông bà trông thôi. Mình cũng chưa nói với ông bà chủ nhà trọ vì trời đang mưa to và cũng đã muộn rồi" - chị Oanh tâm sự.

Hình ảnh mẹ con chị Oanh - Ảnh: NVCC

Cuối cùng, qua tình huống của mình, chị Oanh mong muốn các bậc cha mẹ sẽ cẩn trọng hơn trong việc trông con cái vì nguy hiểm có thể rình rập bất cứ lúc nào.

Bọ cạp hay bò cạp là giống động vật không xương sống, tám chân. Bọ cạp được đặc trưng bởi một chiếc đuôi có nọc độc.

Ngoài loài Hemiscorpius lepturus có nọc độc hoại tế bào, tất cả các loài bọ cạp khác đều có độc làm hủy thần kinh. Những độc tố ảnh hưởng đến thần kinh này chứa một lượng nhỏ protein, natri và cation kali. Bọ cạp dùng nọc độc của nó để giết hoặc làm tê liệt con mồi; hành động này khá nhanh và hiệu quả.

Thật may mắn là nọc độc của đa số loài bọ cạp vô hại đối với con người, tuy nhiên nó có thể gây ra các phản ứng khác như đau, tê cứng hay sưng phồng.

Bọ cạp thích sống ở nơi có nhiệt độ khoảng 20 đến 37 độ C. Bọ cạp là động vật về đêm và hay đào bới, chúng đào hang suốt ngày để tìm nơi trú ẩn mát mẻ, thường là mặt dưới các tảng đá, và ban đêm ra ngoài săn mồi. Bọ cạp có chứng sợ ánh sáng và các loài chim, rết, thằn lằn, những thú có túi và chuột.