Cẩn thận từng giây từng phút khi chăm sóc và trông coi trẻ chưa bao giờ là điều thừa thãi. Bởi thực tế đã chứng minh rằng rất nhiều tai nạn đau lòng đối với trẻ lại đến từ những điều rất giản đơn từ ngay trong sinh hoạt hàng ngày. Mới đây, câu chuyện của một bé trai 11 tháng tuổi (hiện sống ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) khi bị hóc sợi kim loại từ rây lọc cháo, may mắn được cấp cứu kịp thời, đã góp thêm tiếng nói cảnh tỉnh đến các bố mẹ khác khi chế biến đồ ăn cho con.
Hình ảnh phim chụp X-quang cho thấy dị vật trong họng.
Người chia sẻ câu chuyện là bác sỹ Bùi Viết Tuấn (hiện đang công tác tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An). Bác sỹ Tuấn kể lại: "Ngày 28/8/2018, khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận một bệnh nhi khá đặc biệt. Cháu bé 11 tháng tuổi được mẹ cho ăn cháo lươn vào buổi sáng, đang ăn thì bỗng nhiên cháu bỏ ăn, quấy khóc và nôn ra cháo, lẫn một ít máu tươi. Bố mẹ nghi ngờ cháu bị hóc xương nên đã ngay lập tức đưa cháu đến bệnh viện".
Tại bệnh viện, bé trai đã được các bác sỹ khám họng và gắp ra dị vật không phải là xương mà là một sợi kim loại mảnh nhưng rất cứng và nhọn 2 đầu, dài gần 2cm. Sợi kim loại này đang cắm sâu vào vùng hạ họng (bằng 1/3 chiều dài dị vật). May mắn là dị vật chưa xuống sâu hơn nên tính mạng em bé không gặp nguy hiểm. Vậy nhưng chắc chắn em bé và cả gia đình cũng đã trải qua một cơn hoảng loạn bất ngờ. Hiện tại sức khỏe em đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Mảnh kim loại dài gần 2cm được gắp ra.
Điều đặc biệt mà bác sỹ Tuấn nhấn mạnh qua sự việc trên là nguyên nhân gây ra hóc dị vật: Sợi kim loại được gắp ra chính là một phần của chiếc rây lọc thức ăn. Từ trước đến nay, rây lọc vốn là một dụng cụ thường được dùng rất nhiều trong các gia đình có trẻ nhỏ khi chế biến thức ăn, nhằm nghiền nhỏ cháo, các loại thịt cá, rau củ hay loại bỏ xương cá, gà, lợn... có trong cháo. Thế nhưng trong trường hợp này, nó lại biến thành thứ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Bác sỹ Tuấn vốn là người trực tiếp cấp cứu cho bé trai nói trên, cũng là người đã từng tiếp nhận rất nhiều ca hóc dị vật khác của trẻ nhấn mạnh: "Dù rất ít khi xảy ra, nhưng hiểm họa vẫn có thể đến từ những điều đơn giản nhất. Vậy nên nhắc nhở các mẹ, các bà trong quá trình chăm sóc con cháu mình phải hết sức cẩn thận. Nếu gia đình nghi ngờ các cháu bị hóc thì nên đưa đến các cơ sở y tế ngay, không nên tự chữa bằng mẹo vì có thể sẽ nguy hiểm hơn cho các cháu và gây thêm khó khăn cho các bác sỹ trong quá trình thăm khám, xử lý sau đó".
Hiểm họa từ chiếc rây lọc thức ăn thường dùng trong các gia đình.
Ngoài ra, theo lời khuyên của bác sỹ Tuấn, các gia đình cũng phải tuyệt đối cẩn thận trong quá trình chế biến đồ ăn dặm và cho trẻ ăn để hạn chế nguy cơ bị hóc. Các mẹ cũng nên vứt đi các dụng cụ đã cũ, hỏng và thay thế bằng các vật đảm bảo an toàn, được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi dùng: "Trước khi sử dụng rây lọc bột, cháo cho bé, bố mẹ nên có bước làm vệ sinh, kiểm tra chất lượng, phát hiện và loại bỏ rây rách, thủng. Khi chọn mua rây lọc, khuyến khích lựa chọn loại chất lượng tốt, không han gỉ, dễ làm sạch".
Lưu ý thêm với các mẹ, một tai nạn hóc dị vật khác cũng có thể gặp phải trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ là từ miếng chùi xoong nồi bằng kim loại. Bởi miếng chùi nồi dạng sợi kim loại khi đã cũ sẽ rất dễ bị đứt gãy dính vào quai nồi, nếu bất cẩn sẽ rơi vào thức ăn. Khi trẻ ăn phải, sợi kim loại sẽ len lỏi bám vào thành ruột gây tắc ruột, thậm chí có thể gây viêm ruột, rách ruột và những tổn thương khác. Thế nên, khi sử dụng các miếng chùi xoong nồi làm từ kim loại, các mẹ cần hết sức thận trọng rửa sạch, kiểm tra kỹ. Khi miếng chùi đã cũ, nên kịp thời thay miếng khác.
Vậy mới nói, để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh việc hóc dị vật khi ăn, các mẹ cần chế biến thức ăn cho trẻ với 100% sự chú tâm, tuyệt đối không được bất cẩn ẩu đoảng. Bởi đôi khi chỉ cần người lớn sơ sẩy một chút thôi, hậu quả để lại cho trẻ thực sự rất đáng sợ.