Cháu Hải Hà (16 tháng tuổi) phải thở bằng máy và cấp cứu trong tình trạng nguy kịch
Ngày 19-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã điều tra hiện trạng của ngôi nhà giữ trẻ không phép ở địa chỉ k3/87D thuộc khu phố 2, P.Bửu Hòa, TP Biên Hòa do bà Nguyễn Thị Thu Vân (42 tuổi) làm chủ.
Bà Vân được xác định là người giữ trẻ và để xảy ra tình trạng cháu Nguyễn Ngọc Hải Hà bị ói, đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Theo bà Hương, sau khi nhận tin báo Công an TP Biên Hòa cũng đang cử một tổ công tác đến bệnh viện để nắm thêm tình hình.
Mới đi “nhà trẻ” được 3 ngày
Bác sĩ Hà Văn Dần - trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cho biết: “Ngày 18-12, cháu Nguyễn Ngọc Hải Hà nhập viện trong tình trạng da niêm xanh xao, thiếu máu, co cứng cơ toàn thân và suy hô hấp”.
Theo bác sĩ Dần, sau khi chẩn đoán cháu Hà bị hôn mê do máu tụ dưới màng cứng bán cầu trái, các bác sĩ tiến hành mổ nhanh nhưng vẫn không cứu được cháu Hà.
Bà Phạm Thị Dung (mẹ cháu Hà) cho biết: “Do không có người trông coi, con chỉ mới 16 tháng tuổi nên vợ chồng đã gửi đến điểm giữ trẻ tư của bà Vân với giá 1,2 triệu đồng/tháng.
Sáng 18-12, sau khi gia đình cho ăn, cháu được đưa đến điểm giữ trẻ bình thường thì sau đó nhận hung tin”.
Còn bà Lê Thị Hương (bác cháu Hà), người đưa cháu Hà đi cấp cứu, kể: “Khi nghe tin cô Vân gọi điện báo, tôi và bà nội cháu đến điểm giữ trẻ thì thấy cháu Hà nằm ói trên nệm ướt”.
Bà Hương cho biết do tình trạng cháu Hà quá nguy kịch nên gia đình đã xin chuyển viện lên TP.HCM với hi vọng “còn nước còn tát”. Cũng theo bà Hương, cháu Hà đến điểm giữ trẻ của bà Vân được ba ngày thì xảy ra sự việc trên.
Điểm giữ trẻ của bà Vân là căn nhà có diện tích khoảng 50m2, có sân nhưng không có đồ chơi cho trẻ. Điểm giữ trẻ không bảng hiệu và trong sân thiếu ngăn nắp. Người dân ở quanh đây cho biết trong nhà bà Vân thường có 5-6 đứa trẻ, do những phụ huynh gần khu phố mang đến gửi.
Hiện cơ quan điều tra cũng lấy lời khai đối với bà Nguyễn Thị Thu Vân để điều tra. Bước đầu bà Vân khai trước khi xảy ra vụ việc, gia đình cháu Hà có đưa thuốc cho cháu uống và trong quá trình ở nhà trẻ cháu Hà không hề bị té ngã.
Không đủ điều kiện giữ trẻ
Nói về vụ việc này, bà Trần Thị Ngọc Hương - phó chủ tịch UBND P.Bửu Hòa - cho biết: “Đây là điểm giữ trẻ chưa được cấp phép. Điểm giữ trẻ của bà Vân chỉ phát sinh trong một tháng nay thì phường phát hiện yêu cầu làm hồ sơ để kiểm tra”.
Theo bà Hương, sau khi bà Vân làm cam kết, phường cung cấp mẫu hồ sơ quy định cấp phép giữ trẻ để làm thủ tục. Tuy nhiên, khi bà Vân mang hồ sơ đến còn thiếu một số điều kiện như giấy khám sức khỏe. Khi phường chuẩn bị lập đoàn kiểm tra để lập biên bản thì xảy ra sự việc trên.
Còn theo bà Ngô Diệu Thanh - phó Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa, bà Vân mới có giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp dưỡng được sáu ngày.
Trong khi đó, để xin thành lập nhóm lớp 3-5 trẻ, người giữ trẻ phải học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ít nhất 3 tháng, sau đó phường kiểm tra cấp phép thành lập rồi phòng mới cấp phép hoạt động.
Bà Thanh cũng cho hay chỉ riêng TP Biên Hòa đã có 448 nhóm lớp giữ trẻ được 30 phường, xã cấp phép thành lập nhưng phòng chưa cấp phép hoạt động. Ngoài ra còn 50 nhóm giữ trẻ chưa được cấp phép.
“Nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng trường công lập thiếu cơ sở, trẻ dưới 18 tháng tuổi không còn chỗ để gửi nên phát sinh điểm giữ trẻ tự phát rất lớn” - bà Thanh nói.
Hiện trước thông tin nhóm trường mầm non tư thục và nhóm lớp ngoài công lập bạo hành trẻ em rất dã man, phòng cũng đã đề nghị UBND TP Biên Hòa chỉ đạo các phường, xã rà soát tất cả nhóm lớp ngoài công lập để có biện pháp xử lý và đình chỉ ngay các điểm giữ trẻ không đủ điều kiện.
Trường công lập giúp chuyên môn cho tư thục Đây là một trong những giải pháp được Bộ GD-ĐT đưa ra trong công văn vừa gửi đến các sở GD-ĐT trong cả nước nhằm tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non quán triệt trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp đối với trẻ. Các cơ sở giáo dục mầm non công lập làm tốt công tác tham mưu UBND xã, phường về thực hiện công tác quản lý với các nhóm lớp tư thục độc lập trên địa bàn và hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhóm lớp này. Bộ cũng yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo phòng GD-ĐT quận, huyện phối hợp với UBND xã, phường kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục độc lập. Những thông tin về các nhóm lớp đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến tổ dân phố để phụ huynh biết mà lựa chọn trường, lớp. |
Lãnh đạo quận phải chịu trách nhiệm Nếu xảy ra tình trạng tương tự nhà trẻ Phương Anh (Q.Thủ Đức) thì lãnh đạo quận phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri quận 11 ngày 19-12. Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng mỗi cán bộ và người dân cần nâng cao trách nhiệm của mình với cộng đồng hơn nữa để những trường hợp tương tự không xảy ra. “Dân phát hiện sự việc phải báo ngay cho tổ trưởng dân phố, tổ trưởng dân phố báo ngay cho trưởng khu phố, rồi báo tiếp cho người có trách nhiệm ở phường... Các cán bộ đừng cho rằng đó chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục” - chủ tịch UBND TP chia sẻ. |