Tối 14/5, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa điều trị thành công cho một bé trai 2 tuổi ở Long An bị bỏng nặng.

Được biết, trước đó, vào ngày 8/5, bé trai này bị bỏng nước sôi nấu mì tôm khi đùa nghịch cùng anh trai. Ngay sau đó, gia đình đã đưa bé đi thăm khám nhiều nơi nhưng không được nhập viện.

Khi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tình trạng bị bỏng của bé đã ở độ 2-3. Bé bị bỏng vùng ngực, bụng bên bên trái, lan rộng khắp đùi trái, bóng nước to rộng, bong tróc da, mủ vàng trên bề mặt. Bỏng vùng bẹn rộp bóng nước, bỏng vùng đầu cổ trái bong tróc da, diện tích bỏng hơn 20%.

Bé 2 tuổi bị bỏng nước sôi pha mì tôm khi đùa cùng anh trai - Ảnh 1.

Bé trai bị bỏng nước sôi pha mì tôm. Ảnh người nhà bệnh nhi cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ cho biết, bệnh nhân đã được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình điều trị, chăm sóc vết bỏng loét tích cực. Ê kíp thủ thuật đã lập tức xử trí vết bỏng, tiến hành cắt lọc, loại bỏ dị vật vảy da, vảy tiết trên cơ thể, vệ sinh diện bỏng. 

Tiếp đó, các bác sĩ tiến hành băng toàn bộ diện bỏng cho bé, rửa sạch mô chết và nhiễm trùng, bù nước mất và giảm đau tích cực. Sau đó, bệnh nhi được tháo băng, tập vật lý trị liệu do khớp ngón tay, khuỷu tay, nách của bé có dấu hiệu co rút gân và nguy cơ yếu liệt.

Sau gần 1 tuần nằm điều trị bỏng tại Khoa ngoại Tổng hợp, bệnh nhi đã được xuất viện với làn da lành sẹo 80%. 

Cũng theo bác sĩ Vũ, bỏng nước sôi là một hình thức bỏng nhiệt, gây đau rát và để lại những tổn thương đau đớn, tỷ lệ tử vong rất cao. Chỉ cần bỏng 3% (diện tích bỏng bằng vài ngón tay), nếu không điều trị kịp thời và đúng cách cũng có thể khiến vết bỏng bị nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

Do vậy, các bậc phụ huynh phải tuyệt đối thận trọng khi chăm sóc trẻ, không treo hoặc để bất kỳ vật dụng nào phía trên vị trí đặt nôi hoặc giường cho bé nằm; không để phích nước sôi, ổ cắm điện trong tầm tay của trẻ.

Với những bé đã biết đi, tuyệt đối không cho xuống khu vực bếp nấu ăn vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa khó lường đối với trẻ.

Khi trẻ chẳng may trẻ bị bỏng, hãy bình tĩnh nhanh chóng đưa bé đến ngay vòi nước trong nhà xối rửa nhiều nước. Tuy nhiên không được xối nước đá hoặc nước lạnh. Mục đích sẽ làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và bớt đau, giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng. 

Sau đó tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện, người nhà đưa các bé đến khám cho bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.

Bé 2 tuổi bị bỏng nước sôi pha mì tôm khi đùa cùng anh trai - Ảnh 2.