Thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhi N.Q.Đ, 2 tuổi, thường trú tại huyện Đông Anh- TP. Hà Nội với chẩn đoán sơ bộ nghi ngờ hóc dị vật là khay SIM điện thoại ở trong họng.
Ngay khi nhập viện cháu bé đã được các bác sỹ thăm khám và khai thác bệnh sử. Theo lời người mẹ kể: Cách vào viện khoảng 6 giờ có nhìn thấy cháu cầm chơi với khay SIM điện thoại di động, một lúc sau thấy bé quấy khóc nhiều, nôn kèm theo không ăn uống được gì, nghi ngờ cháu bị hóc dị vật nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh khám. Tại đây cháu bé được bác sỹ chỉ định chụp phim X-quang vùng cổ và chẩn đoán dị vật vùng hạ họng. Cháu chưa được xử trí gì và chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khám và điều trị.
Cháu bé được bác sĩ chẩn đoán dị vật hạ họng (Khay SIM điện thoại di động) ngày thứ nhất và có chỉ định soi gắp dị vật.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, tình trạng lúc vào trẻ tỉnh, không sốt, quấy khóc nhiều. Miệng, họng nhiều đờm dãi, không phát hiện thấy dị vật, lọc cọc thanh quản - cột sống còn, không ho sặc tím tái và không có khó thở. Trên phim chụp X-quang cổ thẳng của tuyến dưới có hình ảnh dị vật cản quang vùng hạ họng ngang mức đốt sống cổ 3 (C3) kích thước khoảng hơn 1cm.
Ngay sau đó, trẻ được các Bác sỹ khoa Cấp cứu Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương nội soi hạ họng thấy vị trí hố lưỡi thanh thiệt có dị vật, gắp ra dị vật là mảnh kim loại (khay SIM điện thoại di động) kích thước 1,2x1 cm. Kiểm tra vị trí dị vật nằm thấy niêm mạc hạ họng nề nhẹ, không chảy máu, chảy mủ. Kiểm tra: xoang lê 2 bên, thực quản không thấy dị vật.
Sau thủ thuật, trẻ tỉnh táo, đỡ quấy khóc, không sốt, không khó thở, toàn trạng ổn định, uống sữa được. Trẻ được theo dõi tại khoa ổn định và được xuất viện.
Rất may trong trường hợp này trẻ được gia đình phát hiện và đưa đến bệnh viện xử trí kịp thời nên chưa ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Bác sỹ tai mũi họng cũng cảnh báo đối với những gia đình có con nhỏ cần chú ý và tránh không để trẻ chơi với những vật dụng bằng kim loại, đồ nhựa có kích thước nhỏ rất dễ bị hóc, hoặc cho trẻ ăn các loại hoa quả có hạt nhỏ, trơn nhẵn… có thể làm trẻ bị sặc vào miệng dẫn đến dị vật họng, hạ họng hoặc dị vật đường thở gây tắc thở.
Khi phát hiện trẻ có các triệu chứng như; tự nhiên ho sặc sụa, tím tái khó thở, có nôn hoặc không nôn thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý móc họng hoặc dùng các biện pháp chữa mẹo theo dân gian, các thao tác không đúng đôi khi còn gây rách thực quản, hoặc thậm trí vô tình đẩy dị vật chui vào đường thở dẫn đến tắc thở, khi đó trẻ có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được xử trí đúng phương pháp.