Đây là một tai nạn hy hữu và cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận ca bỏng giác mạc do gói chống ẩm gây ra. Hiện bé đã có thể mở mắt nhưng toàn bộ mắt trái mờ đục, ở tròng đen xuất hiện những đốm mờ trắng. Bệnh nhi sẽ phải phẫu thuật điều trị, tuy nhiên rất khó để tiên lượng thị lực ở mắt này.
Mắt trái bé Dũng bị bột trong gói hút ẩm bắn lên gây bỏng giác mạc. Ảnh: P.N.
Theo lời kể của chị Trang, mẹ bé Dũng, chiều 29/11, chị mua gói bánh về. Thấy con đang chơi với một trẻ nhỏ hơn, chị bóc bánh cho ăn rồi để túi bánh đấy và cũng quên không vứt gói hút ẩm. Được một lúc thấy con khóc thét lên chị vội chạy ra thì thấy bột bụi phủ lên mắt trái con.
Ngây lập tức chị đưa con đến phòng khám gần nhà. Sau khi sơ cứu, bé đươc gia đình chuyển lên Bệnh viện Mắt Trung ương. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mắt sưng húp, không mở được.
Theo các bác sĩ, bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, tổn thương chủ yếu là kết giác mạc, điều trị gặp nhiều khó khăn. Tiên lượng mắt bị bỏng phụ thuộc nhiều vào cách xử trí ban đầu. Việc cần làm ngay là loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt bằng cách rửa ngay bằng nước sạch.
Theo phó giáo sư Trần Hồng Côn, Khoa Hoá, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội thì bình thường gói chống ẩm chứa silicagel dạng hạt chứ không phải bột, có tác dụng hút ẩm rất tốt. Nếu mở ra bị các hạt này bắn vào mắt thì nó sẽ dính vào đó, hút nước trong mắt. Với những hàng không rõ nguồn gốc thì không ai biết được, nhà sản xuất có thể sử dụng vôi bột thay vì silicagel.
Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM cũng từng tiếp nhận bé trai 3 tuổi bị ngộ độc vì cho hạt hút ẩm trong hộp bánh vào miệng ngậm. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên dạy cho trẻ tác hại của chất hút ẩm. Riêng những bé còn quá nhỏ, sau khi mở hộp bánh kẹo thì nên vứt luôn gói hút ẩm để các bé khỏi tò mò dùng thử.