Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM), ngày 25/8 vừa qua, BV tiếp nhận một trường hợp trẻ Ph. P. T. (3 tuổi, Tiền Giang) trong tình trạng bứt rứt, khó chịu, miệng nhiều đàm nhớt, ói liên tục.
Khai thác bệnh sử ghi nhận cách nhập viện 16 giờ, trẻ đang chơi trong phòng một mình, mẹ vào thấy bé quấy khóc, nôn ói nhiều lần, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế địa phương. Tại đây, trẻ được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, cho toa thuốc về điều trị tại nhà.
Về nhà bé bắt đầu kích thích, thở mệt tăng dần, còn nôn ói, nhập bệnh viện tỉnh, chụp X-quang ghi nhận hình ảnh dị vật tròn ở giữa ngực (nghi ở thực quản), trẻ được sơ cứu và chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại đây, cháu T. biểu hiện khó thở, nhiều đàm nhớt, nôn ói, được hỗ trợ hô hấp thở oxy, chụp X-Quang cổ, ngực, bụng phát hiện dị vật ở 1/3 trên thực quản, nên được hội chẩn các chuyên khoa tiêu hóa, tiến hành nội soi đường tiêu hóa cấp cứu sau khi có test nhanh Covid-19 âm tính.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi đường tiêu hóa, gắp ra được một viên pin tròn, đường kính 2cm, ghi nhận loét chảy ít máu niêm mạc thực quản do hóa chất rỉ ra từ viên pin rất độc hại. Bệnh nhi được đặt ống thông mũi hỗng tràng để tránh nguy cơ chít hẹp đường tiêu hóa và được điều trị thêm thuốc băng niêm mạch đường tiêu hóa, kháng sinh, dịch truyền dinh dưỡng.
Bệnh nhi được chuyển khoa hồi sức ngoại để được theo dõi tình trạng thủng thực quản hoặc chít hẹp thực quản cũng như tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc sau đó.
BS CK1 Trần Dư Khương, khoa Hồi Sức Ngoại cho biết: "Trường hợp của trẻ không hề dễ dàng, đường thở phù nề phản ứng, đường ăn bỏng, đã loét hẹp hết 1/3 trên thực quản, đang được đặt sonde hỗng tràng theo dõi sát, nguy cơ hoại tử, nhiễm trùng và thậm chí thủng rất cao...".
Hình ảnh nội soi cho thấy viên pin cúc áo nằm kẹt cứng trong lòng thực quản, gây loét thực quản, nguy cơ thủng hoặc chít hẹp thực quản sau đó, được các bác sĩ dùng kềm phẫu thuật gắp ra.
Viên pin nút áo gắp ra có dấu hiệu dò rỉ hóa chất độc hại bên trong (mangan dioxide, kali hydroxit, chì, axit sulfuric, lithium,…) không chỉ gây tổn thương phỏng loét thực quản tại chỗ mà còn xâm nhập vào máu gây độc hại toàn thân
Sau nội soi gắp dị vật, cháu T. hiện vẫn được tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức ngoại về nguy cơ thủng, chít hẹp thực quản, nhiễm trùng,…
Những viên pin này, trông giống như những chiếc đĩa bạc dẹt, được tìm thấy trong các vật dụng phổ biến ở hầu hết các gia đình như điều khiển từ xa, nhiệt kế, máy đo đường, cân, bàn phím, nến không lửa, đồng hồ, đồ chơi. Thời điểm này trong năm, chúng đặc biệt thịnh hành vì đồ chơi trẻ chơi tại nhà rất nhiều, khó kiểm soát trong đợt giãn cách kéo dài. Khi nuốt phải, pin cúc áo có thể gây bỏng mô nghiêm trọng và thương tật suốt đời trong vòng ít nhất hai giờ.
Trong tay của những đứa trẻ tò mò, chúng có thể dễ dàng biến nó thành miệng, mũi hoặc tai. Khi một trong những loại pin lithium này "mắc kẹt" trong cơ thể, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tổn thương các động mạch chính hoặc tử vong.
Bác sĩ đặc biệt nhắc nhở các phụ huynh hãy kiểm tra tất cả các mặt hàng hoạt động bằng pin và đảm bảo rằng chúng nằm ngoài tầm với của trẻ em. Một lần vô tình nuốt phải có thể dẫn đến các biến chứng suốt đời.