Trứng gà là một loại thực phẩm bổ dưỡng được các mẹ lựa chọn nhiều trong thực đơn bữa ăn cho trẻ. Chị Hoàng Trinh (hiện đang sống ở Nhật Bản) cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, trải nghiệm đáng sợ với con trai đã khiến chị phải dừng ngay không dùng trứng gà nữa. Nguyên nhân là bé Ken (hiện hơn 20 tháng tuổi) bị dị ứng trứng gà ngay từ lần thử ăn dặm đầu tiên.

Chị Trinh kể lại: "Khi ấy bé Ken được khoảng 6,5 tháng tuổi. Bé được tập ăn dặm kiểu Nhật. Mình cho bé thử một miếng trứng rán bé xíu bằng đầu ngón tay út. Sau khi ăn trứng khoảng 10-15 phút, bé bắt đầu có biểu hiện nổi mẩn đỏ. Lúc đầu ở cổ, sau đó lan ra toàn thân, ngứa ngáy kèm theo triệu chứng khó thở. Thấy con như vậy, vợ chồng mình sợ hãi vô cùng, vội vàng đưa con đến bệnh viện. Được các bác sĩ điều trị tích cực, may mắn là con đã tỉnh táo lại bình thường".

be-bi-di-ung-trung-ga-1

Bé Ken phải nhập viện khi 6,5 tháng tuổi vì dị ứng trứng gà.

Kết luận cuối cùng được các bác sĩ đưa ra khiến vợ chồng chị Trinh vô cùng bất ngờ: Bé bị dị ứng trứng gà. Trước nay chị vẫn chưa hề biết về việc trứng gà lại dễ gây dị ứng như vậy. Nhưng qua trường hợp của con trai, chị mới biết được rằng dị ứng trứng gà vô cùng nguy hiểm. Bởi nếu bị nhẹ, con chỉ nổi mẩn đỏ xung quanh miệng hay một số vùng của cơ thể (để một lúc có thể tự hết). Tuy nhiên nếu bị nặng, con sẽ có thể bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, suy hô hấp hay nặng nhất là gây hạ huyết áp, mất ý thức...

Nghĩ lại, chị Trinh vẫn cảm thấy may mắn vì bé Ken bị mức độ nặng nhưng được đưa đến bệnh viện kịp thời. Chị cũng chia sẻ thêm, trước thời điểm ăn dặm, bé hoàn toàn bình thường. Bé bú sữa mẹ hoàn toàn nên chị không biết bé còn bị dị ứng sữa bò nhẹ (gây mẩn đỏ). Cho đến khi nhận kết quả xét nghiệm sau lần bị dị ứng trứng gà, chị mới biết.

be-bi-di-ung-trung-ga-2

be-bi-di-ung-trung-ga-4

Bé Ken hiện tại đã gần 20 tháng tuổi và vẫn kiêng mọi đồ ăn liên quan đến trứng gà,

"Sau lần nhập viện, vì con bị dị ứng nặng nên bác sĩ vẫn chưa con thử lại trứng gà. Hiện tại cứ 6 tháng/lần, bệnh viện sẽ xét nghiệm máu lại cho con để biết rõ xem có còn dị ứng hay không. Kết quả mới nhất cho thấy tuy mức độ dị ứng trứng gà có giảm, nhưng vẫn nằm trong mức nguy hiểm nên con vẫn chưa được tập ăn trứng. Con cũng tránh ăn các loại đồ ăn có trứng như bánh quy hay bánh kem... Ngoài ra, trong kết quả xét nghiệm còn phát hiện ra con bị dị ứng sữa bò nhẹ (gây mẩn đỏ). Nhưng do sữa bò gây dị ứng mà không nguy hiểm nên bé vẫn có thể dùng sữa hàng ngày", chị Trinh cho biết thêm.

Theo chị Trinh chia sẻ, sau lần con phải nhập viện do dị ứng trứng gà, chị cũng trở nên cẩn trọng hơn trong thực phẩm chế biến cho con. Mỗi lần cho con thử thực phẩm mới, chị chỉ dám cho một lượng ít và theo dõi biểu hiện của con thôi. Để nếu có gì xảy ra còn xử lý kịp thời. Đây cũng là lời khuyên chị đưa ra cho các bố mẹ khác để đảm bảo an toàn trong việc cho con ăn dặm.

be-bi-di-ung-trung-ga-5

Cứ 6 tháng một lần, bé Ken lại được xét nghiệm máu một lần để kiểm tra mức độ dị ứng có cải thiện hay không.

Nguy cơ dị ứng khi cho con ăn dặm

Theo các tài liệu ở bên Nhật, có 27 loại thực phẩm dễ bị dị ứng nhất. Dù cho trẻ vẫn có thể dị ứng các thực phẩm khác ngoài 27 loại thực phẩm ấy, tuy nhiên 27 thực phẩm dưới đây dễ gây dị ứng, bao gồm: trứng, sữa, bột mì, mì soba, đậu phộng, tôm, cua (đây là 7 loại gây dị ứng nhiều nhất) và tiếp theo là: nghêu, mực, trứng cá hồi, cam, kiwi, thịt bò, hạt óc chó, cá hồi, cá ngừ, đậu nành, thịt gà, thịt heo, nấm, đào, củ từ, táo, chuối, hạt mè, hạt điều.

Biểu hiện của trẻ khi bị dị ứng

Nhẹ thì trẻ sẽ bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng, hay một số vùng của cơ thể, để một lúc thì sẽ lặn và bình thường lại. Nặng hơn thì con sẽ bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, nặng hơn chút nữa thì con suy hô hấp. Ngoài ra, trẻ có thể bị sưng miệng, cổ họng và nặng nhất là gây hạ huyết áp, mất ý thức.

Làm gì để cho trẻ ăn dặm một cách an toàn?

Khi mới bắt đầu ăn dặm, dù là thứ gì cũng chỉ cho ăn một lượng nhỏ. Nên cho con ăn vào buổi sáng và theo dõi con.

Khi giới thiệu đồ ăn cho bé thì giới thiệu từng loại một, tránh mỗi ngày giới thiệu 2-3 loại đồ ăn mới vì khi dị ứng sẽ không biết được loại đồ ăn gây dị ứng.

Đối với các trẻ có người trong gia đình bị dị ứng thì càng nên chú ý bé.

Ứng phó khi trẻ bị dị ứng

Nếu bé chỉ nổi mẩn thì theo dõi thêm khoảng mấy tiếng sau bé sẽ lặn lại, và nên tránh thực phẩm đó 1 thời gian.

Nếu bé bị khó thở hay nguy hiểm hơn thì tốt nhất đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.

Nên cho bé làm thêm các xét nghiệm để biết chính xác mức độ dị ứng, các loại thực phẩm bị dị ứng và nghe theo lời khuyên của bác sĩ.