Tò mò là bản tính của trẻ con, chúng thích khám phá thế giới bên ngoài nhưng đôi khi trẻ có thể gặp nguy hiểm. Khi trẻ còn nhỏ chưa ý thức được, chúng có thể nhét những hạt đậu, hạt trái cây... vào mũi, lỗ tai. Nếu cha mẹ không sớm phát hiện, nó có thể đe dọa tới tính mạng trẻ.

Trang Sohu đưa tin, cô Lý (Trung Quốc) có một cô con gái 7 tuổi rất nghịch ngợm. Cô phát hiện trong tai con gái mình có một dị vật nhỏ nhưng không thể lấy ra được nên dẫn con tới bệnh viện.

Cô Lý biết được con gái mình đã nhét một thứ gì đó vào tai vì tò mò cách đây 3 tháng. Cho vào thì dễ nhưng lấy ra lại rất khó, cô bé sợ mẹ tức giận nên không dám nói ra.

Bé 7 tuổi nhét đậu nành vào tai, 3 tháng sau mọc mầm - Ảnh 1.

Hạt đậu nành nành nảy mầm trong tai cô bé sau 3 tháng.

Tại bệnh viện, bác sĩ Quách Vĩnh Khang kiểm tra và phát hiện ra dị vật trong tai cô bé thực ra là một hạt đậu nành. Sau khi gắp ra thành công, bác sĩ phát hiện nó đã nảy mầm. Trước khi 2 mẹ con rời đi, bác sĩ còn cảnh báo cô bé không được nhét những thứ nhỏ như vậy vào tai nữa.

Thật trùng hợp cũng vào ngày đó, có một em bé khác nhập viện cấp cứu với dị vật trong tai. Bác sĩ Quách đã gắp ra một hạt đậu đen.

Bé 7 tuổi nhét đậu nành vào tai, 3 tháng sau mọc mầm - Ảnh 2.

Hạt đậu đen được gắp ra.

Bác sĩ Quách cho biết: "Trẻ em rất hiếu động và tò mò, chúng có thể bắt chước theo người lớn hoặc các hình ảnh thấy trên video, sau đó nhét vào tai. Nếu dị vật trong tai không lấy ra được, nó sẽ phát triển".

Dị vật trong tai thường là những tổn thương xảy ra ở ống tai ngoài, thường gặp ở trẻ em.

Các vật thể lạ trong ống tai được chia thành 3 loại: Loại không sinh học (đá, đồ chơi nhỏ...), loại thực vật (đậu, hạt...) và loại động vật như côn trùng (gián...). Khi dị vật đi vào sâu trong ống tai và sát màng nhĩ sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu như đau, ngứa, trường hợp nặng có thể dẫn đến viêm tai ngoài, tụ máu ống tai ngoài hoặc thủng màng nhĩ.

Về vấn đề này, bác sĩ Quách nhắc nhở mọi người nếu có dị vật trong tai của trẻ, cha mẹ không nên hoảng sợ, không dùng dụng cụ ngoáy tai để gắp ra để tránh làm tổn thương ống tai ngoài và màng nhĩ của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên nhỏ thuốc vào tai, chẳng hạn như trường hợp trên có thể khiến hạt đậu nảy mầm, khiến dị vật ngày càng sâu hơn vào màng nhĩ. Bệnh nhân nên đến bệnh viện để lấy dị vật ra để tránh làm tổn dương da ống tai ngoài, màng nhĩ hoặc đẩy dị vật vào sâu hơn bên trong, khiến việc lấy trở nên khó khăn.

Cách phòng tránh trẻ nhét dị vật vào tai

Để phòng tránh trẻ em nhét dị vật vào tai, bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:

- Đảm bảo không có các đồ vật nhỏ, nhọn, hoặc dễ chạm tới trong tầm với của trẻ em. Giữ các đồ vật như đồ chơi, các loại hạt, ghim cài, viên pin và các vật dụng nhỏ khác ở nơi trẻ không thể tiếp cận được.

- Theo dõi trẻ em khi chơi đồ, đặc biệt là các đồ vật nhỏ có thể dễ dàng nhét vào tai. Đảm bảo rằng trẻ không đặt các vật nhỏ vào tai một cách vô ý.

- Nói cho trẻ hiểu rõ về nguy hiểm của việc nhét dị vật vào tai và những hậu quả có thể xảy ra. Dạy trẻ về việc giữ an toàn cho tai và không đưa các vật nhỏ vào tai.

- Giữ sạch tai trẻ bằng cách lau nhẹ nhàng bên ngoài tai bằng khăn mềm. Không đưa bất kỳ đồ vật nào vào tai trẻ, trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ.

Trong trường hợp nếu trẻ nhét dị vật vào tai, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.