Đau đầu, buồn nôn sau khi xem phim
Khoa Nhi, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp bé gái 8 tuổi bị rối loạn tâm thần sau khi xem phim kinh dị. Bệnh nhân là bé P.T.H, 8 tuổi, ở Ninh Bình. Cô bé có gương mặt xinh xắn, giọng nói trong trẻo và đặc biệt rất thông minh. Không ai nghĩ cô bé này bị rối loạn tâm thần sau khi xem vài bộ phim kinh dị trên tivi.
Cách đây 1 tháng, trong một lần đi học về bé H thấy trống ngực bỗng đập thình thịch, tim đập rất nhanh, người mệt mỏi. Bé có kể với mẹ nhưng người mẹ chủ quan cho rằng do bé nô nghịch quá nhiều và cũng bỏ qua luôn. Tuy nhiên, tình trạng trống ngực đánh liên hồi ngày càng tái diễn kèm theo biểu hiện đau đầu dữ dội.
Một lần khi đang ngồi xem phim, cháu H nôn khan dữ dội. Cháu liên tục kêu đau đầu kèm theo biểu hiện trống ngực đập thình thịch. Bố mẹ liền đưa bé đến cơ sở y tế gần nhà khám. Tại đây sau khi làm các kết quả xét nghiệm bác sĩ không tìm được nguyên nhân khiến bé bị đau đầu, nôn khan nên khuyên gia đình đưa thẳng bé lên cấp cứu tại khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Tại BV Bạch Mai – với các thiết bị y tế hiện đại các bác sĩ cũng không hiểu tại sao các chỉ số xét nghiệm của bé lại không đồng nhất. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Ngạc nhiên là các chỉ số xét nghiệm của bệnh nhi này lúc rối loạn, lúc bình thường. Tình trạng tim lúc đập nhanh, lúc chậm rất loạn nhịp. Bé thường nôn và nôn dữ dội nhưng xét nghiệm tiêu hóa cũng bình thường. Kết quả điện tâm đồ cũng thế, lúc loạn lúc không”.
Trước tình thế đó, các bác sĩ khoa Nhi đã mời các chuyên gia hàng đầu về chống độc, thần kinh, tiêu hóa về hội chẩn. Tuy nhiên, sau khi thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm các chuyên gia này đều khẳng định bé không bị ngộ độc, hay mắc bệnh thần kinh, tiêu hóa.
Tìm ra bệnh nhờ phản ứng lạ với bác sĩ
BS Nguyễn Hồng Phong, Khoa Nhi, BV Bạch Mai nhớ lại: “Ngày thứ 3 bệnh nhi này nhập viện, tôi đến khám, bé đang nằm chơi trên giường, thấy bác sĩ đến bé bật dậy tức thì, hai tay gồng lên, la hét bất thường”.
Theo BS Phong, các cơn co giật như trên ở bé H không điển hình. Nếu là co giật do bệnh lý động kinh hay sốt cao thì bệnh nhi phải co giật toàn thân, phải mất ý thức. Bé H hoàn toàn khác, lúc lên cơn co chỉ ở tay hoặc chân.
“Một sáng khi đang khám cho bệnh nhi ở khu cấp cứu, bà ngoại của bé H hốt hoảng chạy lên gọi bác sĩ thông báo bé đang lên cơn co giật. Khi bác sĩ chạy đến mới biết nhìn thấy bệnh nhi cùng giường với mình bị sốt cao lên cơn co giật, H dù đang hoàn toàn tỉnh táo, không bị sốt bỗng cũng có biểu hiện rất giống với bạn cùng giường, bé cũng giật miệng, méo miệng cắn lưỡi giống hệt bạn. Rất may bác sĩ cấp cứu kịp thời nên bé đã trở lại trạng thái bình thường, không để lại hậu quả đáng tiếc gì”, BS Phong nhớ lại.
Nhờ những biểu hiện lạ trên, các bác sĩ dần khẳng định bé H bị rối loạn tâm thần do một tác động nào đó. Từ những chẩn đoán ban đầu này, bác sĩ đã chỉ định cho bé dùng thuốc an thần, để bé ngủ, không lên cơn co đồng thời tác động về mặt tâm lý để bé trò chuyện.
PGS.TS Dũng cho biết, khi thăm khám cho bé, bác sĩ tỉ tê hỏi chuyện. Sau vài ngày bé bắt đầu cởi mở với bác sĩ. Bé kể, trước mắt cháu cứ thấy máu chảy, đánh nhau, sợ lắm bác sĩ ạ. Hỏi ra mới biết, ở nhà bé có truyền hình cáp. H là lớp trưởng, học giỏi, rất thông minh nhờ thế mà cô bé chẳng cần nhiều thời gian để hoàn thành các bài tập thầy cô giao về nhà. Cô bé là chị cả trong nhà có 3 chị em, mẹ mới sinh em được vài tháng. Bố mải làm, mẹ bận trông em nhỏ nên thời gian rảnh cô bé được thoải mái xem phim. Còn bé nhưng lại thường xuyên xem phim kinh dị, hành động bé H đã bị rối loạn tâm thần.