Bé 9 tháng tuổi bị biến dạng mặt vì xe tập đi lao vào bếp lửa - Ảnh 1.

Bé gái bị bỏng nặng do ngồi xe tập đi, lao vào bếp lửa

Ngày 20/6, BS Hồ Xuân Hương, Khoa Bỏng trẻ em (Viện Bỏng quốc gia) cho biết, bé Hứa Thị Như Phượng, 9 tháng tuổi, Thiện Hòa, Bình Gia (Lạng Sơn) nhập viện ngày 14/6 trong tình trạng bỏng nặng. Hiện tại, khuôn mặt bé đen sạm, biến dạng.

Bé Phượng bị bỏng 15%, trong đó 12% độ sâu 3 – 4 ở đầu, mặt, cổ, thân chi. Phần mặt của bé bị ngã vào bếp nên tình trạng vô cùng nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và đường hô hấp.

Bé Phượng khóc liên tục. Đặc biệt là vào ban đêm, bé khóc gần như không ngớt cơn nấc nghẹn do vết thương bỏng rát, ngứa ngáy, khiến bố mẹ cháu phải canh thức liên tục. Bố mẹ bé phải thay nhau thức trắng để trông con.

Anh Hứa Văn Thiệp – bố của bé Phượng cho hay, chiều tối hôm 12/6 bà nội sắp nồi cơm đặt lên bếp củi nấu rồi chạy ra ngoài đóng cửa chuồng gà. Lúc ấy tự nhiên mất điện, cháu Phượng đang ngồi ở chiếc xe tập đi thấy chỗ bếp sáng liền lao xe vào.

Ông nội thấy cháu bị ngã vào bếp lửa nhưng không thể ra cứu vì bị gẫy hai tay và chân không đi lại được, chỉ nằm hô người cứu. Bà nội ở bên ngoài vì nặng tai nên không nghe thấy. Khi con gái lớn 4 tuổi của anh Thiệp chạy ra gọi, bà nội chạy vào mới đưa được bé ra khỏi bếp thì cháu đã bỏng nặng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, mọi người tập trung giúp đỡ đưa ngay cháu Phượng ra trạm xá để sơ cứu.

Được mách bôi thuốc nam sẽ đỡ nên gia đình cho cháu về nhà sau. Về được 2 hôm, vết bỏng của cháu ngày càng nặng, gia đình mới vội đưa lên bệnh viện huyện rồi chuyển lên tỉnh.

Ngày 14/6 ngay trong đêm, bé Phượng được các bác sĩ chuyển gấp đi Viện Bỏng Quốc gia.

Theo các bác sĩ, hiện tại bé Phượng được điều trị tích cực và vết thương trên cơ thể bé đã có chuyển biến tích cực, mắt đã hé được một phần. Tuy nhiên, do vết bỏng sâu thời gian tới bé sẽ trải qua nhiều đợt phẫu thuật, phải điều trị lâu dài.

Qua trưởng hợp này, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên để mắt đến con trẻ, không được để trẻ một mình trong bất cứ hoàn cảnh nào, đừng rời trẻ quá một sải tay.

BS Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn khuyến cáo, việc tự ý đắp lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bỏng là điều phản khoa học.

BS Nguyễn Thống lý giải, vết bỏng cần phải được làm sạch và vô trùng tối đa chỗ tổn thương bỏng nên việc đắp lá rất dễ gây nhiễm trùng. Ngoài nhiễm trùng tại chỗ còn có biến chứng sốc do đau, sốc do mất dịch, rối loạn nước điện giải, thậm chí nặng có thể dẫn đến tử vong.