Bé 9 tuổi sốc phản vệ nguy kịch do ăn hải sản - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi T.H.Đ.P. (9 tuổi, phường Hưng Bình, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) trong tình trạng rất nguy kịch, bị sốc phản vệ rất nặng do dị ứng thức ăn hải sản.

Nhờ được xử trí ban đầu đúng hướng, chuyển tuyến bệnh nhi từ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh kịp thời, mà bệnh nhi đã được cứu sống.

Theo thông tin từ gia đình, tối cùng ngày nhập viện, bệnh nhi có dấu hiệu bị sốc phản vệ nhưng gia đình nhầm tưởng là bị dị ứng mề đay. Bệnh nhi được cho uống 2 viên thuốc chống dị ứng và theo dõi tại nhà.

Được biết, trong gia đình, anh trai bệnh nhi cũng bị dị ứng thường xuyên. Bệnh nhi cũng từng 5-6 lần bị dị ứng, nên lần này gia đình cũng nghĩ bệnh nhi bị như những lần trước.

Sau khi cho bệnh nhi uống thuốc một lúc, nhận thấy tình trạng không thuyên giảm nên gia đình đã đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh cứu chữa. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán bị sốc phản vệ độ 3 với cua cá.

Thời điểm đó, ghi nhận bệnh nhi mạch đập chậm, có lúc không bắt được mạch, huyết áp tụt, chân tay lạnh và tím tái, co giật, mắt lờ đờ và nhắm lại. Sau khi tiêm thuốc hai lần mà huyết áp của bệnh nhi vẫn giảm và có chiều hướng xấu, các bác sĩ đã kịp thời điều xe cấp cứu đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục cứu chữa.

Bệnh nhi được theo dõi tại phòng cấp cứu trong 15 giờ, sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị. Sau 4 ngày, tình trạng bệnh nhi ổn định và được cho xuất viện.

Sốc phản vệ thường xảy ra nhanh sau khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng khi đó trẻ có biểu hiện tím tái huyết áp tụt, trụy mạch suy hô hấp và cần được cấp cứu ngay. Phản ứng dị ứng nặng gây sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong nhanh chóng.

Các bác sĩ khuyến cáo: Cha mẹ biết con mình có cơ địa dị ứng cần lưu ý tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng trước đây. Những trường hợp dị ứng nhẹ, việc giảm bớt, không ăn những thức ăn dị ứng là biện pháp tốt nhất ngăn chặn sự tái xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

Đối với những trẻ đã từng bị sốc phản vệ do thức ăn, tuyệt đối không nên thử ăn lại các thức ăn đó. Nếu lo ngại việc loại trừ một số thức ăn khỏi chế độ ăn của trẻ có thể dẫn đến sự mất cân đối trong dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, các bà mẹ có thể hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để xây dựng chế độ ăn thích hợp cho con mình.