Hút thuốc lá gây nguy hiểm cho mọi người. Nếu bạn đang bị bệnh về hô hấp, hút thuốc tác hại còn nặng nề hơn. Khói thuốc chứa nhiều hóa chất gây kích thích phổi, làm tắc nghẽn đường thở.

Sau khi mắc Covid-19, bé Nguyễn Lan Anh – 9 tuổi thường xuyên khó thở. Gia đình cũng không rõ con bị bệnh gì nên cho đi kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị hen phế quản. Về nhà điều trị nhưng 1 lần vì bố của Lan Anh hút thuốc bên cạnh con. Ngửi thấy mùi khói thuốc, cô bé đột nhiên không thở nổi và lên cơn hen cấp tính. May mắn, gia đình đã đưa bé vào viện cấp cứu kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu chậm trễ có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Còn trường hợp của ông Nguyễn Mạnh H. 63 tuổi, Hưng Yên được người nhà đưa vào viện cấp cứu sau khi hút vài điếu thuốc.

Bé 9 tuổi suýt chết chỉ vì bố hút thuốc lá - Ảnh 1.

Tư vấn cho bệnh nhân.

Cách đây 1 năm, ông H. phát hiện viêm tắc nghẽn phổi mãn tính, bác sĩ điều trị đợt cấp xong chuyển về tuyến dưới điều trị duy trì. Ông H. phải kiêng thuốc lá hoàn toàn. Sau thời gian cai thuốc, một lần thèm quá ông giấu vợ con hút trộm vài điếu thuốc. Đến tối, ông lập tức lên cơn khó thở. Gia đình phải đưa vào viện cấp cứu.

Tiến sĩ - Bác sĩ Thái Thị Thuỳ Linh, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết:

Hút thuốc lá ảnh hưởng đến phổi và chức năng phổi như: tổn thương phổi, làm chậm phát triển chức năng phổi ở trẻ nhỏ, làm giảm chức năng phổi. Hút thuốc lá còn gây ra nhiều triệu chứng hô hấp mãn tính như: ho mãn tính, khò khè, có đờm, khó thở.

TS Linh cho biết có nhiều bệnh nhân tới khám hô hấp vì các bệnh liên quan tới khói thuốc lá. Trong đó có trường hợp bệnh nhân có vấn đề hô hấp đã được bác sĩ điều trị ổn định và ngưng hút thuốc lá. Bệnh nhân ra viện thấy sức khỏe tốt, bệnh lý đã được kiểm soát nhưng thèm thuốc nên đã hút một điếu, chỉ vì một điếu thuốc lá vội phải vào viện cấp cứu ngay.

Có bệnh nhân can thiệp kịp thời giải phóng được đường thở nhưng có những bệnh nhân nhà xa không can thiệp được đường thở thì có thể nguy hiểm tới tính mạng.

TS Linh cho biết thuốc lá hiện nay có 4.000 độc chất, trong đó có 50 chất gây ung thư, bệnh cảnh hay gặp nhất là hen phế quản mãn tính. Nhiều bệnh nhân trước đây mắc bệnh nền như hen phế quản, nhưng không để ý tới nên khi hút thuốc lá sẽ khởi phát những cơn khởi cấp đường hô hấp bất ngờ, khi nhập viện muộn khả năng bình phục là rất thấp.

Cũng theo các bác sĩ, ngoài những biến chứng về đường hô hấp, hút thuốc lá lâu năm sẽ gây xơ vữa mạch mãn tính, không chỉ mạch vành mà tất cả các mạch máu trong cơ thể sẽ hình thành các mảng xơ vữa và dần dần hẹp lại. Bệnh nhân sẽ có đợt cấp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.

Bệnh hô hấp như hen phế quản và tắc nghẽn phổi mãn tính có thể trở nên nguy hiểm khi hút một điếu thuốc. Với bệnh nhân bị các bệnh này bác sĩ phải tư vấn cai thuốc lá và kèm theo sử dụng thuốc hỗ trợ cai thuốc lá vì người cai xuất hiện hội chứng cai thuốc lá.

Bệnh nhân khó chịu, cáu gắt, mệt mỏi, đau bụng. Bác sĩ sẽ liên hệ với cả người nhà tư vấn cho họ để biết được những triệu chứng khi cai thuốc có thể xảy ra để cùng phối hợp. Người cai thuốc có thể tăng cường luyện tập để tránh cơn thèm thuốc đến.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.