Bệnh nhân tử vong chỉ sau vài giờ cắt bỏ amidan
Anyialah Greer (đến từ Detroit, Michigan) đã cầu cứu bác sĩ nhi khoa chữa trị chứng ngưng thở khi ngủ. Cô bé được đưa vào phòng phẫu thuật 40 phút, vào ngày 8/12/2015, và tình trạng này đã kết thúc sau hơn 2h sau đó.
Khi cô bé bước ra khỏi phòng điều trị vào lúc 2:23 sáng thì bỗng nhiên bị chảy máu mũi và nước dãi liên tục. Các bác sĩ đều cam kết họ đã làm đúng quy trình phẫu thuật. Vào lúc 15:05 chiều, em được uống thêm một số thuốc giảm đau và xuất viện. Nhưng đến 18h cùng ngày, Anyialah Greer đã qua đời.
Cái chết của Anyialah Greer để lại một cú sốc lớn, không chỉ với riêng gia đình của em mà còn với cả cộng đồng. Rất nhiều thầy cô giáo, bạn bè vô cùng bàng hoàng trước thông tin em đã ra đi.
Quẫn trí, bà Sonia Gambrell (mẹ bé Anyialah Greer) đã khởi kiện bệnh viện Nhi Michigan – nơi đã làm phẫu thuật cho con bà. "Tôi vẫn còn nghĩ đó là chuyện không tưởng, dường như là một giấc mơ. Con gái tôi giờ đang ở đâu? Con tôi không thể chết được, chắc chắn đã có gì đó sai sót trong phẫu thuật của bệnh viện. Ai đó hãy lên tiếng và giải thích cho tôi về cái chết của con gái được không?", bà mẹ 27 tuổi thốt lên những lời chua xót.
Thủ thuật cắt bỏ amidan là hoạt động phổ biến thứ ba trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, với khoảng 530.000 trẻ em tại Mỹ mỗi năm. Tỷ lệ tử vong ước tính mỗi năm khi thực hiện phẫu thuật này có thể lên đến 50.000 trẻ. Cắt bỏ amidan thường được thực hiện ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn mãn tính. Trong nhiều trường hợp, amidan mở rộng, có khả năng cản trở đường thở. Trường hợp của bé Anyialah cũng phải cắt bỏ mô phía sau mũi (hạch vòm họng).
Hiện tượng tử vong do cắt amidan ngày càng xuất hiện nhiều, không chỉ ở nước ngoài mà còn có tại Việt Nam. Vào tháng trước, Bệnh viện Trí Đức đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ amidan cho hai bệnh nhân, một nam, một nữ. Bệnh nhân nam là Hoàng Văn Trấn (sinh năm 1982, ở xã Hồng Thái - Phú Xuyên - Hà Nội), bệnh nhân nữ là Quách Thị Mai P. (38 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội). Cả hai đều có biểu hiện sốc phản vệ tại Bệnh viện Trí Đức sau khi tiến hành gây mê, sau đó được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và tử vong tại đây. Thông tin này khiến rất nhiều người hoang mang, khi trước đó bệnh nhân chỉ có biểu hiện ho và rát cổ họng.
Trước những thông tin này, nhiều người cảm thấy vô cùng hoảng loạn, không dám cắt amidan mặc dù được bác sĩ chỉ định cắt bỏ. Vậy cắt amidan cần lưu ý những điều gì để tránh xảy ra những biến cố gây mê, tử vong?
Những lưu ý khi cắt bỏ amidan không được bỏ qua
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), mặc dù thủ thuật cắt bỏ amidan không khó nhưng nếu trình độ gây mê không ổn, làm ẩu thì chuyện làm bệnh nhân tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bình thường, sau khi thăm khám tình hình viêm amidan, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kê đơn điều trị bằng thuốc. Nhưng nếu như được điều trị tích cực, đúng phác đồ, đúng liều lượng kháng sinh… mà vẫn bị viêm amidan thì việc chỉ định cắt bỏ amidan là điều chắc chắn bác sĩ nào cũng làm.
Nếu đã làm đến nước này mà viêm amidan vẫn đeo bám thì cũng rất nguy hiểm đến tính mạng. Amidan bị phì đại to sẽ gây tắc nghẽn đường thở, hiện tượng ngừng thở ở trẻ khi đang ngủ, cơ thể tím tái do thiếu dưỡng khí, trẻ hay quấy khóc. Bệnh nhân bị viêm amidan cũng sẽ bị viêm mãn tính lặp đi lặp lại nhiều lần, nguy cơ bị thấp khớp, biến chứng tim, viêm cầu thận thấp… là điều khó tránh khỏi. Đó là còn chưa nói đến khả năng bạn sẽ bị viêm phế quản nhiều lần, hen phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang, cản trở ăn uống…
Nói như vậy để chúng ta thấy, việc cắt bỏ amidan không hẳn là hành động sai lầm của các bác sĩ. Cắt bỏ amidan giúp chúng ta có cuộc sống thoải mái hơn, phòng chống nhiều căn bệnh nguy hiểm ở trên. Nhưng cái quan trọng nhất là phải đảm bảo thực hiện cắt amidan đúng kỹ thuật, làm cẩn thận, nếu điều trị bằng thuốc mà vẫn viêm thì mới được tiến hành cắt bỏ.
Do đó, khi quyết định cắt bỏ amidan, bệnh nhân nhất định cần phải có sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn để tìm ra phương pháp phù hợp, tránh viêm amidan tái phát.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, không cắt amidan cho trẻ dưới 5 tuổi vì ở tuổi này nếu cắt sẽ ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ và amidan có khả năng phát triển tiếp. Ngoài ra, đối tượng trên 50 tuổi cũng cần thật thận trọng khi cắt amidan. Đối tượng trên 50 tuổi dễ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tăng huyết áp, chưa kể ở tuổi này amidan hay bị xơ hóa. Nếu tiến hành cắt thì có thể khiến bệnh nhân mất nhiều máu, gây nguy hiểm tính mạng.
Những đối tượng mắc phải các bệnh lý như rối loạn đông máu, suy tim, hay chảy máu… đều không được chỉ định cắt bỏ amidan. Cắt amidan cũng không áp dụng cho các trường hợp đang bị viêm nhiễm cấp tính tại amidan, viêm nhiễm tại mũi, xoang và viêm nhiễm toàn cơ thể như mắc bệnh sởi, cúm, sốt xuất huyết. Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, đang mang thai, có dấu hiệu bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh gan, lao… đều không được chỉ định cắt bỏ amidan.
(Nguồn: Tổng hợp)