Ngày rời quê hương, đặt chân đến với mảnh đất mới, chị Nguyễn Thị Lan (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) chẳng thể ngờ, đó cũng là lúc cả gia đình phải đấu tranh giành lại sự sống cho con.

4 lần mổ não, người chằng chịt vết kim tiêm

Con gái của chị Lan, bé Kiều Oanh nay đã 10 tuổi. Tuy nhiên vì mắc ung thư nên bé không thể đến trường bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. 3 năm qua, nơi bé Oanh ở nhiều nhất là bệnh viện.

“Con gái tôi học hoài mà vẫn ở lớp 1. Năm học vừa rồi, cháu chỉ đến trường đúng 1 tháng, thời gian còn lại thì ở viện điều trị”, chị Lan rơm rớm nước mắt nói.

Bé gái 10 tuổi mổ não 4 lần, liệt nửa người vì ung thư - Ảnh 1.

Chị Lan rưng rưng nước mắt khi nhắc đến hành trình tìm lại sự sống cho con gái đầy những khó khăn. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Qua 4 lần mổ não, trên người bé Oanh chằng chịt vết kim tiêm. Chị Lan chẳng mong muốn gì nhiều, chỉ ước sao cho con dịu bớt những cơn đau để có thể sống trọn vẹn những ngày còn lại. Tuy nhiên, vì mang khối u ác tính nên dù có cố gắng chạy chữa đến mấy, bé Oanh vẫn phải chịu cảnh bị liệt nửa người.

“Không ít lần bác sĩ nói với tôi là mau chóng đưa con về nhà, con thích ăn gì thì cứ cho ăn vì thời gian của con không còn nhiều nữa”, chị Lan bật khóc.

Còn hy vọng vẫn chạy chữa cho con

Chị Lan tâm sự, ở quê gia đình chị nghèo lắm, không có công việc ổn định nên vợ chồng đã đưa 2 con vào Trảng Bom, Đồng Nai lập nghiệp. Ngoài bé Oanh, chị Lan còn có thêm 1 cháu nhỏ khác.

Mỗi ngày chị đi phụ bán quán cà phê, công việc này cũng đủ trang trải chi phí ăn uống và chăm 2 con nhỏ. Chồng chị Lan kiếm việc khó khăn, cố gắng kiếm tiền bằng cách làm “thợ đụng”, ai gọi thuê gì thì làm đó.

Lúc mới đến Đồng Nai, vợ chồng tôi vui lắm vì nghĩ đã lo cho các con cơm ăn 3 bữa không còn chịu cảnh đói no thất thường như ở quê nữa. Thế nhưng số phận thật trớ trêu, khi cuộc sống nơi đất khách dần ổn định thì cái ngày định mệnh ấy ập đến. Tôi chết lặng không nói nên lời khi nghe bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe của con gái”, chị Lan nói.

Bé gái 10 tuổi mổ não 4 lần, liệt nửa người vì ung thư - Ảnh 2.

Vì liên tục xạ trị tại bệnh viện nên bé Kiều Oanh vẫn chưa đọc chữ thành thạo, dù vậy cháu vẫn luôn cố gắng tập đọc mỗi khi hết đợt xạ trị.

Ngày này qua tháng nọ, chị tất tả làm việc, chắt mót từng đồng rồi lại chờ đến lúc con vào viện điều trị. Khi thì xạ trị tới hóa trị, lúc lại thực hiện ca mổ não nguy hiểm, nhìn con đau đớn chống lại bệnh hiểm nghèo mà lòng chị Lan như đứt từng khúc ruột.

Gồng gánh trên vai khoản nợ hơn 100 triệu đồng gồm tiền thuốc men, chi phí điều trị cho con gái nhưng chưa một phút giây nào chị Lan có suy nghĩ bỏ cuộc. Thương cha mẹ, bé Oanh chưa một lần than khóc.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Kiều Oanh im lặng nhìn xuống cánh tay không thể cử động vì đã bị liệt rồi đáp: “Con mong hết bệnh để đi học lại, đêm nào con cũng nằm mơ thấy mình cùng các bạn đến trường”.

Hơn 3 năm chạy vạy khắp nơi, bán từng món đồ trong căn phòng trọ chật hẹp để có tiền lo thuốc men cho con, chị Lan gần như kiệt quệ. Cả tiền bạc lẫn sức lực của gia đình đều bị bào mòn, cứ mỗi lần nhắc đến bệnh ung thư là đôi mắt chị lại trùng xuống, rồi rơm rớm nước mắt chực oà khóc.

Bé gái 10 tuổi mổ não 4 lần, liệt nửa người vì ung thư - Ảnh 3.

Cháu Kiều Oanh đã trải qua 4 lần phẫu thuật não, hiện tại trong tình trạng liệt nửa người.

Chị Lan kể, dù con còn một hy vọng sống, vẫn cố bám víu lấy, dù gia đình sống trong cảnh nợ nần, chị vẫn phải giữ lại từng giây phút được sống của con. Khi bác sĩ khuyên gia đình nên sớm đưa bé Oanh về nhà, vợ chồng chị đã khóc cạn nước mắt.  Dẫu vậy, vợ chồng chị cố gắng động viên nhau rằng con đã không may mắn có tuổi thơ trọn vẹn thì trong những ngày còn lại, phải luôn vui cười để con cảm thấy không đơn độc.

Trước đó, năm 2019, bé Oanh được Bệnh viện nhi Đồng Nai chẩn đoán u não, sau đó bệnh tình trở nặng nên chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để tiếp tục chữa trị. Tại đây bé Oanh được mổ não và dần phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên đến năm 2022, sau khi đi khám lại, bác sĩ đã kết luận rằng khối u của bé là ác tính.

Giá như lúc đó không bùng dịch COVID-19 thì tôi đã đưa con đi tái khám sớm hơn, có lẽ con không phải chịu nhiều đau đớn như bây giờ”, chị Lan lặng người.