Bé gái 2 tháng tuổi tử vong vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh khi đang ngủ cùng mẹ
Arisa Chow - bà mẹ trẻ người Nhật, mẹ của bé Mariko đã chia sẻ câu chuyện mất mát mà chị và gia đình đang phải trải qua sau sự ra đi đột ngột của con gái. Mariko là 1 em bé dễ thương và lanh lợi, bé mới chỉ 2 tháng tuổi. Theo lời kể của chị Arisa thì con gái chị sau khi sinh 2 tuần đã có thể tự ngóc đầu lên và bé bắt đầu trườn khắp giường khi mới được 2 tháng tuổi. Mẹ bé kể lại trong nước mắt: “Con bé rất giỏi, tôi không bao giờ và chưa bao giờ nghĩ phải xa con sớm như vậy. Trước giờ đi ngủ tối hôm đó, con bé vẫn còn rất vui vẻ và cười với mẹ kể cả vừa bị mẹ mắng vì đã bĩnh và dây bẩn ra chiếc váy trắng của tôi trong lúc tôi đang bế bé xem tivi.”
Bé Mariko khi được 3 tuần tuổi. (Ảnh: Facebook)
Đêm định mệnh đã xảy ra, “Mariko tỉnh giấc và khóc lúc nửa đêm, lúc đó như thường lệ tôi chỉ dậy và cho bé ti sữa rồi sau đó cũng ngủ thiếp đi. Nhưng khoảng 1 tiếng sau, tôi phát hiện mặt con bé biến sắc, người mềm nhũn và đã tắt thở từ bao giờ.”
Kết quả khám nghiệm tử thi của bé Mariko cho thấy bé Mariko không bị vật gì gây nghẹt đường thở hay có dấu hiệu ngạt nước, bé chỉ ngừng thở và não cũng ngừng hoạt động. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy có vẻ bé đang có triệu chứng bị cảm lạnh, nhưng dù vậy thì cũng không thể khiến bé tử vong nhanh như vậy.
Cuối cùng, các bác sĩ pháp y đã kết luận, bé Mariko mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome-SIDS).
Trước khi xảy ra bi kịch, Arisa đã từng xem nhẹ hội chứng này: “Tôi nhớ mình đã chế giễu các bà mẹ khác vì cho rằng họ đang hoang tưởng quá mức về hội chứng SIDS, tôi thậm chí không nghĩ đến việc cho trẻ ngủ trên bụng sẽ khiến trẻ bị ngạt và dẫn đến đột tử. Nhưng tôi đã sai và tôi muốn chia sẻ câu chuyện buồn của mình đến mọi người, cho dù cha mẹ có cẩn thận và giữ con như thế nào đi nữa, nhưng nếu Chúa muốn đưa con đi thì không có cách nào ngăn được, giống như trường hợp của con gái tôi, bé Mariko.”
Khoảnh khắc cuối cùng Arisa bên bé Mariko.
Đối với cha mẹ việc mất con là niềm đau là không thể nào tả xiết, họ thậm chí cảm thấy có lỗi về điều đó và Arisa cũng vậy: “Tôi luôn thấy mình có lỗi. Hãy trân trọng mỗi giây phút khi ở bên các con bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết được liệu đó có phải là lần cuối cùng hay không. Tôi chấp nhận đánh đổi bất cứ thứ gì trên đời để gặp lại Mariko và được tiếp tục làm mẹ của con bé.”
Không nên xem nhẹ hội chứng SIDS
Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS) là tình trạng trẻ khỏe mạnh nhưng đột ngột tử vong và không có nguyên nhân rõ ràng. SIDS thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, mặc dù trước đó trẻ vẫn khỏe mạnh, bình thường nhưng tử vong đột ngột trong khi đang ngủ trưa hoặc ngủ đêm, dù là ngủ trong cũi, giường hay bất cứ đâu.
SIDS thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, mặc dù trước đó trẻ vẫn khỏe mạnh, bình thường nhưng tử vong đột ngột trong khi đang ngủ trưa hoặc ngủ đêm (Ảnh minh họa).
Thông tin liên quan đến SIDS:
- SIDS xảy ra nhiều ở trẻ từ 2-4 tháng tuổi.
- SIDS thường gặp ở bé trai hơn là bé gái.
- SIDS xảy ra chủ yếu vào mùa đông và có xu hướng tăng trong những tháng lạnh đặc biệt.
- Trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân và trẻ sơ sinh thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ đột tử cao hơn.
- Trẻ sinh đôi có nguy cơ mắc SIDS cao gấp đôi, do thai nhi khi sinh đôi thường có trọng lượng cơ thể nhẹ hơn so với ca sinh một. Ngoài ra, thời gian mang thai của người mẹ cũng ngắn hơn dẫn đến nguy cơ SIDS của trẻ cao hơn.
Một số lưu ý giúp hạn chế nguy cơ đột tử - SIDS:
- Luôn đặt bé ngủ ở tư thế lưng bé nằm xuống phía dưới.
- Không để chăn hoặc đồ chơi trong nôi, cũi, giường ngủ của bé. Sử dụng loại chăn có lỗ thông thoáng cho bé dễ thở và luôn đảm bảo không khí trong lành trong phòng của bé. Đảm bảo đệm trong nôi hoặc giường chắc chắn.
- Cha mẹ có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ nhằm phát hiện sớm SIDS như thiết bị định vị, các phần mềm báo động.
- Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên cha mẹ không nên ngủ chung giường với bé, có thể ngủ cùng phòng nhưng không phải là cùng một giường vì nhiều trường hợp cha mẹ ngủ say và đè vào bé.
- AAP cũng khuyến cáo cha mẹ không nên để trẻ ngủ trên ghế sofa hoặc ghế bành: đây là vị trí cực kỳ nguy hiểm cho trẻ sơ sinh do trẻ có thể bị ngạt thở hay mắc kẹt ở ghế cao, thêm vào đó sofa có tay vịn thấp do đó trẻ còn có thể dễ dàng bị ngã xuống nếu trở mình khi đang ngủ.
- Cha mẹ luôn nhớ phải giữ phòng ngủ mát mẻ, sạch sẽ, không để quá lạnh. Không khí trong phòng ngột ngạt, quá nóng sẽ làm cho bé khó thở.
- Mẹ có thể cho bé ngậm vú giả giúp bé dễ ngủ và thở đều đặn hơn. Để tránh việc bé bị ngạt, mẹ không đeo núm vú giả xung quanh cổ bé hoặc gắn vào quần áo trong khi bé ngủ.
- Cha mẹ tuyệt đối không hút thuốc và để khói thuốc bay trong nhà, kể cả các loại mùi hôi khác. Theo thống kê, trẻ sơ sinh có cả bố và mẹ hút thuốc sẽ có nguy cơ gặp phải SIDS cao hơn 3,5 lần trẻ có cả bố và mẹ không hút thuốc; nếu chỉ có mẹ hút thuốc, nguy cơ giảm xuống còn gấp 2 lần và 1,5 lần nếu chỉ có bố hút thuốc.
- Nuôi con bằng sữa mẹ luôn được các chuyên gia khuyến khích. Cho trẻ bú mẹ ít nhất sáu tháng sau khi sinh có thể làm giảm nguy cơ SIDS.
Nguồn: Parents/Facebook