Ngày 24/8, bé gái Xiaoyun, 2 tuổi, hiện đang sống tại Phúc Châu (Trung Quốc) được gia đình phát hiện trong tình trạng bị bỏng nặng phần môi và mồm. Nguyên nhân ban đầu được xác định do cô bé đã ăn nhầm bột giặt vì tưởng là sữa.

Gói bột giặt được người trong gia đình cất trong ngăn tủ khá thấp, vừa tầm với của Xiaoyun. Khi đang chơi trong nhà, bé gái đã nhìn thấy túi bột giặt đầy màu sắc và bị thu hút, tiến lại gần.

Cô bé đã nghĩ rằng đây là sữa bột mình vẫn ăn hàng ngày. Xiaoyun đã chạy đi lấy đồ chơi để xúc bột giặt ăn.

Ngay khi vừa nuốt một ít bột giặt, cô bé đã gào khóc vì quá đau đớn và sợ hãi. Khi phát hiện ra, người thân trong gia đình vội cho bé súc miệng bằng nước ấm và dùng dầu ăn để xoa dịu cơn đau.

Tuy nhiên, môi của Xiaoyun đã tím tái, rỉ máu liên tục. Phải 3 tiếng sau khi xảy ra sự cố, gia đình mới đưa cô bé đến bệnh viện. Chính điều này khiến tình trạng của bé càng trở nên nghiêm trọng.

Bé gái 2 tuổi ngộ độc nghiêm trọng, bỏng hết vùng miệng vì ăn nhầm bột giặt - Ảnh 1.

Cô bé Xiaoyun bị tổn thương nặng hệ tiêu hóa.

Các bác sĩ cho biết, môi của Xiaoyun bị bỏng nhẹ. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là miệng, lưỡi và hệ tiêu hóa bị bỏng nặng. Hiện Xiaoyun vẫn đang điều trị trong bệnh viện và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Giám đốc bệnh viện Wang cho biết, khi gặp những trường hợp ngộ độc bột giặt như Xiaoyun, người thân không nên cố gắng gây nôn cho nạn nhân vì có thể gây tổn thương, chảy máu và nặng hơn là thủng thực quản và hệ tiêu hóa.

Tương tự với bột giặt, nếu trẻ sử dụng xăng hoặc dầu hỏa, gia đình không cưỡng ép gây nôn cho trẻ vì có thể gây ngạt thở.

Theo bác sĩ Wang, khi trẻ bị ngộ độc các hóa chất như trên, gia đình cần nhanh chóng cởi hết quần áo bị ô nhiễm, ngâm phần cơ thể tiếp xúc với hóa chất trong 15 phút rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ Wang, người đã có 30 năm kinh nghiệm chữa tổn thương cho trẻ em, nói rằng trẻ em rất dễ nhầm lẫn các hóa chất thành đồ ăn. Ví dụ như thuốc trừ sâu, thuốc chuột, nước rửa bát, dầu hỏa… Vì thế, cha mẹ nên đặt tất cả hóa chất ngoài tầm với của trẻ.

Khi bị ngộ độc, trẻ cần được đưa đến bệnh viện muộn nhất là 6 tiếng, đồng thời cha mẹ cũng cần mang nguồn gây ngộ độc để các bác sĩ điều trị.

Nguồn: Straitstimes