Một cô bé 22 tháng tuổi có mái tóc đen láy, đôi mắt sáng ngời rất dễ thương nhưng chẳng ai có thể ngờ bé sắp phải trải qua ca phẫu thuật cổ họng lần thứ 7 để cắt bỏ u nhú trong thanh quản.
Cô bé đó tên là Tiểu Mẫn (tên bé gái đã được thay đổi), sống tại huyện Khang Bình, thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Ngay từ khi bé gái 3 tháng tuổi, chị Hoàng Hồng, mẹ của Tiểu Mẫn đã thấy tiếng khóc của con gái mình có dấu hiệu bị khàn tiếng, như có gì đó đang mắc bên trong cổ họng.
Khi đưa con đến viện khám, chị sững người khi bác sĩ kết luận bé có u nhú thanh quản do nhiễm papillomavirus (HPV).
"Tôi không thể chấp nhận kết quả vào thời điểm đó, tôi không tin nổi vì sao một đứa bé nhỏ tuổi dễ thương vậy lại có thể nhiễm được loại virus này?", chị Hồng nhớ lại.
Nhưng khi chị Hồng biết được nguyên nhân gây bệnh cho con gái, chị đã vô cùng hối hận. Hóa ra kể từ khi mang thai, chị không hề hay biết mình đã mang virus HPV ung thư cổ tử cung. Chị Hồng tâm sự, vì mình sống ở nông thôn nên không nghĩ đến việc phải đi kiểm tra loại virus này, chị cũng không ngờ con mình mới sinh ra lại có thể nhiễm virus HPV – loại virus mà chị luôn nghĩ chỉ dành cho người lớn.
Cô bé Tiểu Mẫn 22 tháng tuổi đã phải trải qua 6 lần phẫu thuật thanh quản.
Bé 22 tháng tuổi đã phải chấp nhận ca phẫu thuật lần thứ 7
Ngày 21/8, chị Hồng có mặt tại phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Thành Kinh thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc để chờ đợi ca phẫu thuật lần thứ 7 của con gái kết thúc.
Mãi đến chiều, các bác sĩ mới cho phép chị Hồng vào thăm con. Chị ứa nước mắt khi trông thấy toàn thân cô con gái bé nhỏ đầy các loại ống, trong mũi, khí quản, chân tay đều đang "bị trói" lại. Mặc dù không thể nói chuyện xong Tiểu Mẫn vẫn nắm chặt lấy tay mẹ, khiến chị chẳng nỡ lòng rời đi.
Tiểu Mẫn sau ca phẫu thuật lần thứ 7.
Trao đổi với phóng viên, các bác sĩ đến từ Bệnh viện Thành Kinh cho biết, u nhú là một khối u lành tính phổ biến ở thanh quản. Phương pháp điều trị hiện tại chỉ có thể là thông qua phẫu thuật cắt bỏ, nó không phải ung thư nhưng do cổ họng của trẻ nhỏ thường rất hẹp, không gian phẫu thuật bị hạn chế nên rất khó để loại bỏ nó hoàn toàn trong 1 lần. Đặc biệt, căn bệnh này sẽ tái phát, vì vậy Tiểu Mẫn sẽ phải phẫu thuật nhiều lần nữa.
Trước đó vào ngày 19/8, khi Tiểu Mẫn đang chơi cùng anh trai thì cô bé bỗng khóc thét lên. Bố mẹ Tiểu Mẫn nhận ra con mình đang khó thở, mặt tím tái nên vội vàng đưa cô bé đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết khí quản của cô bé 22 tháng tuổi đã bị chặn lại và cần phải được phẫu thuật ngay lập tức.
Theo các bác sĩ, trường hợp như của Tiểu Mẫn là rất hiếm. Thường thì u nhú thường chỉ xuất hiện ở các bệnh nhân 7- 8 tuổi hoặc đang ở tuổi dậy thì. Bây giờ Tiểu Mẫn chỉ mới 22 tháng tuổi, trung bình tứ 2-3 tháng phẫu thuật 1 lần thì ước tính cô bé sẽ phải trải qua 30 lần phẫu thuật đến năm 7- 8 tuổi.
Triệu chứng của u nhú thanh quản
- Khàn tiếng, độ nặng tăng dần từ từ theo độ lớn của khối u.
- Khó thở.
- Khi nội soi thanh quản người lớn thấy khối u sùi có khi thành múi trên bề mặt dây thanh thường thấy ở mặt trên và bờ tự do dây thanh. Đối với trẻ em, sẽ thấy u sùi thành khối giống như quả dâu màu hồng hoặc sẫm, mọc rải rác trên dây thanh, băng thanh thất, thanh thiệt, sụn phễu. Có khi khối u choán hết tiền đình thanh quản lan xuống khí quản.
Cách điều trị u nhú thanh quản
Cách 1: Điều trị bằng thuốc ít hiệu quả.
Cách 2: Điều trị phẫu thuật cắt bỏ u nhú bằng kìm, kéo vi phẫu, cắt hút dưới nội soi hoặc lấy bỏ khối u bằng laser CO2.
Tiên lượng bệnh u nhú thanh quản
- Bệnh dễ tái phát do không lấy hết khối u.
- Trẻ em đến tuổi dậy thì thường tự khỏi.
- Người lớn có thể bị ung thư hóa.
- Không dùng xạ trị để điều trị u nhú vì không có tác dụng và dễ gây ung thư hóa.
(Nguồn: Sohu)