Trước khi nhập viện 20 ngày, người mẹ ho nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ. Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện trẻ ho húng hắng, không sốt. Những ngày sau, trẻ ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho trẻ tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, các bác sĩ lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm. Trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ cải thiện đáng kể, giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Từ đầu tháng 7 đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà, phần lớn là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine. Trung tâm đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh, trong đó 1 bệnh nhi nặng cần phải thở máy.

Bé gái 24 ngày tuổi mắc ho gà do sự chủ quan của mẹ - Ảnh 1.

Bé gái đang nằm điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương.

TS.BS Trần Thị Thu Hương - Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ.

Bệnh khởi đầu có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng.

Bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên chú ý đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ để phòng tránh bệnh ho gà hiệu quả.