Bé gái 4 tuổi liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), mới đây, một bé gái 4 tuổi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đã được các bác sĩ tại đây tiếp nhận, điều trị.
Mẹ bé cho biết, tối trước ngày nhập viện, bé đột ngột cười lệch miệng về phía bên phải, không sốt, không nôn ói. Thấy bé mệt hơn, ăn uống kém dù trước đó vẫn ăn uống, vui chơi bình thường, gia đình rất lo lắng nên đưa đến viện khám ngay. Qua thăm khám và các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải, cần phải nhập viện điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền – phục hồi chức năng kết hợp điều trị y học hiện đại.
Trải qua 15 ngày điều trị bằng các phương pháp xoa bóp, châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, tình trạng của bé gái đã cải thiện tốt và được ra viện.
Trời lạnh, cẩn trọng với nguy cơ liệt mặt, méo miệng ở cả trẻ em
Liệt mặt, méo miệng là thuật ngữ dân gian. Y học hiện đại gọi là liệt dây thần kinh 7 ngoại biên. Đây là dây thần kinh chỉ đạo vận động tất cả nhóm cơ ở nửa mặt. Trong các nguyên nhân gây liệt ngoại biên thì yếu tố lạnh là phổ biến nhất. Ngoài ra các bệnh lý viêm tai xương chũm, chấn thương, viêm màng não... cũng có thể khiến miệng bị méo.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng, nhưng 75% là do lạnh làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt. Bệnh này mùa nào cũng có thể mắc, nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa thường gặp nhiều hơn cả.
Bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 thường xảy ra trong mùa lạnh, hay gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là người đi tập thể dục quá sớm hoặc không bảo vệ sức khỏe lúc ra đường. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng bệnh có thể gặp ở đối tượng là người trẻ và cả trẻ em.
Theo thông tin từ Trung tâm Y dược cổ truyền - phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, gần đây bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp trẻ 2 tuổi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Cụ thể, bệnh nhi là cháu T.G.H, mới 24 tháng tuổi (thành phố Việt Trì), nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối.
Với các trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7, nhẹ thì bệnh nhân có các biểu hiện như môi chỉ hơi nhếch lên, nặng thì cả mặt như bị kéo xệch về một bên. Có những bệnh nhân bị méo cả hai bên mặt.
Theo các bác sĩ, đối với trẻ em bị liệt mặt, méo miệng, nguyên nhân thường là do bị lạnh. Do đó, để phòng tránh căn bệnh liệt dây thần kinh số 7, cha mẹ cần đảm bảo cơ thể của trẻ luôn được giữ ấm, không được để bị lạnh.
Với thời tiết mùa Đông rét đậm, rét hại, cần giữ ấm cho trẻ ở các bộ phận đầu, cổ, ngực, chân tay. Cần cho trẻ mặc quần áo ấm và kết hợp ăn uống đủ chất. Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 10-15 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Khi trẻ chơi ngoài trời lạnh, cha mẹ cần chú ý cho bé mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, cần giữ cho trẻ tránh ngồi nơi gió lùa, không tắm quá khuya, đi đường xa phải đeo kính, bịt mặt, che ấm cả hàm, đeo khẩu trang...
Nếu trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, cha mẹ cần phải làm gì?
Liệt mặt, méo miệng có thể để lại nhiều di chứng, khiến trẻ chịu tổn thương về thể chất và tinh thần, thậm chí là bị các bạn trêu chọc.
Do đó, để tránh trẻ bị tổn thương, việc quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm là giải thích cho con hiểu và giúp con vượt qua căn bệnh này bằng những cách sau:
- Giúp trẻ thực hiện đầy đủ các bài tập trị liệu mà bác sĩ yêu cầu.
- Nếu trẻ cảm thấy đau, khó chịu, sử dụng khăn ướt để giảm đau ở hàm và mặt hoặc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Chú ý chăm sóc mắt của trẻ. Nhỏ thuốc thường xuyên để tránh mắt bị khô. Thậm chí cần cho trẻ đeo kính râm để tránh kích ứng.
Nếu trong quá trình điều trị cảm thấy các triệu chứng của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nghiêm trọng hơn, hãy đưa trẻ đến bác sĩ khám ngay.