Là cha mẹ, việc đặt kỳ vọng vào con cái là điều dường như khó tránh khỏi. Việc học của con có bằng những đứa trẻ khác, tính cách cũng vui vẻ hay không? Nhưng thực tế, khi so sánh con cái, chúng ta cũng nên suy ngẫm xem: Mình có tốt bằng cha mẹ người khác không? Liệu con cái chúng ta có so sánh chúng ta với cha mẹ các bạn cùng lớp không?

Có một chương trình tạp kỹ của Hàn Quốc từng khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Chủ đề là thảo luận về tiêu chí lựa chọn cha mẹ của con cái. Một bé gái 6 tuổi khi được hỏi thích chọn bố mẹ giàu nhưng không lo cho gia đình hay bố mẹ lo cho gia đình nhưng không có tiền, bé trả lời không chút do dự: Con chọn bố mẹ giàu. 

Câu trả lời của bé gái khiến người lớn sững sờ

Một cậu bé cũng trả lời: Con cũng muốn chọn cha mẹ giàu… Nếu bố mẹ con không có tiền thì dù có lo toan cho gia đình, tất cả những gì họ để lại chỉ là những ký ức tồi tệ.

Dù lời nói của trẻ không kiềm chế nhưng cả khách mời có mặt và đại đa số cư dân mạng xem video đều tỏ ra thất vọng. Thậm chí có phụ huynh còn tức giận đến mức gọi những đứa trẻ này là "bất hiếu", "không biết ơn cha mẹ".

Phân tích ở góc độ lý trí, chúng ta không nên trách trẻ em khi đưa ra những nhận xét như vậy, nhưng quả thật rất đáng để suy ngẫm.

Mọi người đều có quyền khao khát và lựa chọn "vẻ đẹp". Trong thế giới của trẻ em, chúng không thể quyết định mình sinh ra trong gia đình nào, cũng không thể chọn cha mẹ, bản thân điều này đã là một hiện tượng không công bằng. Tuy nhiên, khi lớn lên, các em đã nhìn thấy những mặt tươi đẹp của cuộc sống và đương nhiên có quan điểm riêng về vấn đề nên chọn kiểu cha mẹ nào.

Người nghèo có nên không sinh con?

Vì chênh lệch về khả năng kinh tế, cha mẹ giàu có thể dễ dàng thuê giáo viên giỏi, cho con vào trường tốt và nuôi dưỡng những sở thích khác nhau cho con cái. Trong khi cha mẹ nghèo chỉ có thể chu cấp cho con cái cơm ăn, quần áo và giáo dục bắt buộc. Thành công hay không lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực và ý chí của chính đứa trẻ.

Trên mạng thường có một nhóm người đồng tình với quan điểm "không có tiền thì không nên có con". Đồng ý rằng có tiền sẽ thuận lợi hơn trong việc nuôi dạy con cái nhưng giàu hay nghèo không quyết định việc bạn nên có con hay không. Có điều trước khi có con, chúng ta phải có tầm nhìn xa và khả năng đoán trước nhất định. Nếu không chắc khả năng tài chính của mình có đủ nuôi con hay không thì việc kết hôn muộn và sinh con muộn quả thực là một lựa chọn đúng đắn. 

Không thể phủ nhận rằng trong cuộc sống có một số người dù gia đình nghèo khó vẫn tích cực, lạc quan, nguyên nhân chủ yếu là do không khí gia đình. Một bầu không khí gia đình tốt đẹp không thể thiếu sự tồn tại của "tình yêu". Tình yêu này không chỉ là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái mà còn là tình yêu thương giữa cha mẹ với nhau. Những chuyện vặt vãnh tưởng chừng như bình thường hàng ngày của gia đình cũng có thể tác động đến tâm hồn trẻ, vì vậy tình yêu thương và sự hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ là rất cần thiết.

Tóm lại, giàu nghèo không phải là tiêu chí để quyết định có con hay không. Dù là gia đình nào thì tình yêu cũng phải có ở khắp mọi nơi. Tiền không phải là tất cả và không thể thay thế được sự tồn tại của tình yêu. Nếu bạn không có tiền, bạn càng phải chăm sóc con cái đầy đủ.

Nuôi dạy con thế nào để con không quá coi trọng vật chất?

Có người nói ủng hộ con trai "nuôi dạy nghèo khổ" thực chất là rèn luyện ý chí của con trai, điều này quả thực đúng, nhưng chẳng phải con gái cũng cần rèn luyện ý chí sao? Cũng có người nói "nuôi con gái giàu có" tức là làm giàu thế giới tinh thần của con, điều này đúng, nhưng con trai có cần làm giàu thế giới tinh thần không?

Thế nên, bất kể trai hay gái, đạt được hai điểm này trong giáo dục mới là đúng đắn, không phân biệt giới tính: 

(1) Về đời sống vật chất của con cái, cả con trai và con gái đều cần được "nuôi dạy nghèo khổ" đúng cách. Trên thực tế, hầu hết trẻ em sống trong xã hội ngày nay chưa từng phải chịu cảnh đói khổ, chưa hiểu được cuộc sống vật chất khó khăn, con cái muốn gì là được cha mẹ cho nên sinh ra tâm lý ỷ lại.

(2) Về thế giới tinh thần, cả bé trai và bé gái nên càng phong phú càng tốt. Trên thực tế, điều này thường bị các bậc cha mẹ phớt lờ. Hầu như cha mẹ nào cũng chú ý đến việc học nhưng lại ít khi quan tâm đến thế giới nội tâm của con mình.

Hãy cùng trẻ trò chuyện, trao đổi nhiều hơn, điều này rất quan trọng để trẻ hình thành tâm trạng và nhân cách ổn định. Khuyến khích con và giúp chúng xây dựng sự tự tin. Bên cạnh đó, nuôi dưỡng thói quen đọc sách của trẻ và làm phong phú thế giới tinh thần của chúng. Nếu không có điều kiện đưa con đi du lịch nhiều, có thể tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn.

Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Theo các chuyên gia, thay vì dễ dãi thỏa mãn các yêu cầu của trẻ khi trẻ đòi mua sắm những thứ chúng thích, nên tập trung bồi dưỡng ý thức về giá trị đồng tiền, để trẻ hiểu cách tiêu tiền. Cần dạy trẻ hình thành dần tư duy tài chính, có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên lấy câu cửa miệng "Nhà mình nghèo lắm/Nhà chúng ta không có tiền" để cấm cản con mua những đồ chúng thích hoặc muốn xin tiền từ cha mẹ, bởi điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý đứa trẻ.

Nếu bạn nuôi dạy con quá nghèo khổ, những đứa trẻ sẽ dễ tự ti; nếu bạn nuôi dạy con quá thừa mứa, trọng vật chất, những đứa trẻ sẽ dễ ỷ lại, suy nghĩ lệch lạc về tiền bạc. Vì vậy, dù nghèo hay giàu, tốt hơn hết là nuôi dạy con bằng tình yêu thương. Việc cha mẹ đồng hành cùng con cái quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.