Mới đây, cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ trước 1 vụ việc xảy ra ở tỉnh Quảng Bình. Theo chia sẻ từ nick Facebook H.N, một bé gái đã bị gia đình trói vào xe tải và đánh túi bụi để dạy dỗ vì tội trộm tiền. Người qua đường sau đó bức xúc và lao vội vào can ngăn, yêu cầu gia đình tháo dây trói cho bé gái.

Nguyên văn chia sẻ của H.N như sau: "Hôm nay đi làm về khoảng 17h30 qua Ba Dốc gần nghĩa trang gặp cảnh tượng không thể tin được trong thời đại 4.0. Một gia đình có cả bố, mẹ, ông bà và nhiều người lớn tuổi khác mang cháu gái tầm khoảng 11, 12 tuổi trói chân, tay trói vào sau thùng xe tải. Người bà xông vào đánh cháu túi bụi bằng mọi thứ cầm trên tay.

Mình đã cùng với 1 số bạn đường dừng lại và kịp thời can ngăn, buộc gia đình tháo dây trói cho bé. Theo người nhà cháu bé thì cháu có trộm tiền gì gì đó. Tuy nhiên cả gia đình và người nhà mang cháu ra đường trói chặt cháu vào sau xe và đánh cháu như vậy là đã vi phạm pháp luật".

Bé gái bị trói sau xe tải.

Bé gái trót trộm tiền, ông bà và bố mẹ liền trói vào thùng xe tải đánh túi bụi, thời đại nào rồi còn dạy trẻ bằng đòn roi? - Ảnh 2.

Cô bé bị phạt vì tội trộm tiền.

Nick Facebook này cũng cho biết thêm: "Mặc dù đã giải thích và can ngăn nhưng số người trên tỏ ra bất hợp tác và phản ứng đối với những người tham gia ngăn chặn. Nhất là người bà đã có hành vi đuổi đánh một bạn trẻ tham gia ngăn cản hành vi đánh cháu. Người tự xưng là mẹ cũng hằn học chửi rủa khách qua đường. Nhiều người lớn tuổi khác (theo mình đều là người nhà cháu bé) cũng có thái độ thờ ơ với sự việc.

Thật buồn cho 1 gia đình nhiều thế hệ đã không bảo ban cháu nên người, để đến hôm nay làm tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn. Không những thế còn mang ra đường thách thức dư luận khi mọi người tham gia bảo vệ cháu. Khi lớn lên cháu càng thù hận hơn".

Cũng theo nick Facebook H. N, hiện tại công an địa phương đã biết đến vụ việc và đang có những phản hồi tích cực.

Bé gái trót trộm tiền, ông bà và bố mẹ liền trói vào thùng xe tải đánh túi bụi, thời đại nào rồi còn dạy trẻ bằng đòn roi? - Ảnh 3.

Dưới sức ép của người đi đường, cô bé được gia đình cởi trói và cho vào nhà.

Cộng đồng mạng sau khi xem những hình ảnh này đã vô cùng bức xúc. Nhiều người bày tỏ quan điểm, tại sao xã hội ngày càng phát triển hiện đại mà vẫn còn nhiều gia đình có tư tưởng cổ hủ, dạy dỗ con theo cách lệch lạc như vậy?

Chị T.N bình luận: "Là 1 người mẹ, nhìn thấy cảnh này mình xót xa thực sự. Cả 2 đứa trẻ nhà mình đều đang tuổi nghịch ngợm nhưng mình chưa từng đánh đòn. Đối với trẻ nhỏ, phải dạy cho con hiểu, chứ không phải khiến cho con sợ".

Anh H.Q cũng có chung quan điểm như trên: "Năm 2020 rồi mà còn lôi con cháu ra giữa đường để đánh thì mình cũng chịu. Dù con có sai đến đâu cũng không nên làm mất mặt con giữa tập thể như vậy. Đòn roi và xúc phạm nhân phẩm - đó là 2 điều tồi tệ nhất trong việc dạy dỗ".

Đòn roi chưa bao giờ là cách thức đúng đắn để dạy dỗ trẻ!

Thực tế, không chỉ riêng gia đình trên mà còn nhiều cha mẹ vẫn đang dùng đòn roi, quát mắng để dạy dỗ con. Những biện pháp này chưa bao giờ là hình thức đúng đắn để giáo dục một đứa trẻ. Bởi đòn roi chỉ khiến trẻ sợ hãi, sửa đổi hành vi tạm thời để bố mẹ nguôi cơn thịnh nộ. Còn về bản chất, trẻ vẫn chưa hiểu được mình sai ở đâu, phải làm gì để sửa sai và vẫn tiếp tục hành vi sai trái của mình.

Không chỉ vậy trong nhiều trường hợp, đòn roi còn khiến trẻ trở nên ương bướng hơn và có những hành vi chống đối lại bố mẹ. Bên cạnh đó, trẻ có thể gặp phải những tổn thương về mặt tinh thần như trầm cảm, tự ti hoặc chính trẻ sẽ trở thành kẻ lạm dụng bạo lực. 

Bé gái trót trộm tiền, ông bà và bố mẹ liền trói vào thùng xe tải đánh túi bụi, thời đại nào rồi còn dạy trẻ bằng đòn roi? - Ảnh 5.

Trong nhiều trường hợp, những tổn thương tinh thần kéo dài khiến trẻ thường xuyên rơi vào trạng thái lo lắng, làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể và khiến sức khỏe của trẻ bị yếu đi, dễ mắc bệnh.

Tất nhiên không một bậc cha mẹ nào mong muốn con rơi vào tình trạng như vậy. Thế nên nếu muốn tốt cho con, cha mẹ cần kiên nhẫn giải thích cho con biết con đã sai ở đâu. Ngoài ra, cha mẹ cần cho con khoảng không gian, thời gian riêng để suy nghĩ về hành động của mình.