Cha dượng đánh đập tàn bạo con gái nhỏ vì lời nói dối

Cô bé Ainun Mahya ở Pontianak, Indonesia, đã vĩnh viễn rời bỏ thế giới do bị cha dượng bạo hành. Nguyên nhân là gì? Bé giả vờ mình đang ngủ.

Tờ Detik News đưa tin, Ibrahim Taufik đã vô cùng tức giận sau khi phát hiện bé Ainun không hề ngủ. Anh ta không thể chấp nhận cảm giác mình bị một đứa con nít nói dối. Cơn giận dữ càng lúc càng tăng lên, Taufik tra hỏi Ainun tại sao dám nói dối mình. Nhưng cô bé con vẫn một mực im lặng. Điên tiết, Taufik bắt đầu đánh đập Ainun. Theo Cucu Safiyudin, phụ trách quan hệ công chúng cảnh sát khu vực Tây Kalimantan, anh ta dùng gối và gối ôm đánh vào mặt cô bé.

Bé gái bị cha dượng bạo hành tới chết vì nói dối - tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc khi dạy con - Ảnh 1.

Cô bé 4 tuổi đã không giữ nổi mạng sống của mình do những chấn thương cực kỳ nghiêm trọng (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, cảnh sát trưởng M Husni Ramli phụ trách đội điều tra tội phạm Pontianak, thông báo chính xác diễn biến vụ việc trên tờ Tribune: "Nghi phạm đã hướng dẫn nạn nhân đi ngủ. Sau khi nhìn thấy con gái ngủ rồi, anh ta bèn rời khỏi nhà. Khi trở lại, nghi phạm nhận thấy rõ ràng, đứa trẻ chỉ giả vờ ngủ mà thôi. Sau đó, anh ta bắt đầu đánh đập con. Nghi phạm thú nhận rằng, anh ta không thể kiểm soát cảm xúc của mình khi phát hiện con nói dối mình".

Ainun không chỉ bị cha dượng đánh bằng gối và gối ôm. Cô bé còn bị nhấc lên và ném mạnh xuống sàn. Chưa dừng ở đó, người cha dượng mất hết lý trí liên tục dẫm chân lên bụng và ngực em. Vẫn chưa nguôi giận, người đàn ông này còn tiến xa tới mức bóp cổ Ainun trước khi đập đầu cô bé vào gỗ cứng, khiến bé gái rơi vào cảnh thập tử nhất sinh.

Đến lúc bé Ainun đã bất tỉnh, Agus Kartina - mẹ bé mới về đến nhà. Phát hiện ra tình trạng nguy kịch của con, Agus Kartina lập tức đưa bé tới bệnh viện Auri. Tại đây, cô bé được chuyển ngay tới Bệnh viện St. Anthonius để được chăm sóc đặc biệt.

Nhưng cô bé 4 tuổi đã không giữ nổi mạng sống của mình do những chấn thương cực kỳ nghiêm trọng. Ainun trút hơi thở cuối cùng vào chủ nhật, ngày 5/8. Mẹ nạn nhân đã tố cáo vụ việc tới đồn cảnh sát Pontianak. Nghi phạm sau đó đã cúi đầu nhận lỗi. Anh ta bị buộc tội hơn 5 năm tù giam theo luật pháp Indonesia.

Tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc khi dạy con

Vô số trường hợp trẻ bị đối xử tàn tệ chỉ vì phút thiếu kiềm chế của cha mẹ đã cho thấy việc không ổn định về tâm lý, cảm xúc có thể khiến một người trở nên hung hãn, tấn công người khác, thậm chí có thể phạm tội giết người.

Vì lý do này, các nhà tâm lý học luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý cảm xúc tốt để trẻ có thể lớn lên với những hành vi ổn định.

Bé gái bị cha dượng bạo hành tới chết vì nói dối - tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc khi dạy con - Ảnh 2.

Nếu bạn làm chủ được cảm xúc, từ đó, kiểm soát được hành động của mình, bạn sẽ tác động tích cực tới sự hình thành nhân cách của trẻ (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, quan trọng không kém là việc phải làm gương cho trẻ. Nếu bạn làm chủ được cảm xúc, từ đó, kiểm soát được hành động của mình, bạn sẽ tác động tích cực tới sự hình thành nhân cách của trẻ.

Tóm lại, ảnh hưởng lớn nhất mà trẻ nhận được bắt nguồn từ gia đình. Nhân cách mỗi người phát triển ngay từ chính môi trường gia đình. Liệu bạn đã làm gương đủ tốt và đã dạy trẻ cách quản lý cảm xúc chưa?

Dấu hiệu trẻ bị cha dượng/mẹ kế bạo hành

Cách họ hành xử hoặc thái độ của họ đối với trẻ có thể nói lên nhiều điều. Đôi khi, nhờ đó, bạn có thể biết con mình có bị bạo hành bởi người chồng/vợ kia hay không.

Bé gái bị cha dượng bạo hành tới chết vì nói dối - tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc khi dạy con - Ảnh 3.

Sử dụng bạo lực thân thể như đánh, tát có thể để lại những vết sẹo vĩnh viễn về tâm lý, cảm xúc (Ảnh minh họa).

Một số dấu hiệu bạo hành của cha dượng/mẹ kế (hay bất cứ cha/mẹ nào nói chung) bao gồm:

- Họ không quan tâm chăm sóc hay tỏ thái độ hờ hững với trẻ.
- Họ không thể nhận ra con bạn có đang phải chịu đựng điều gì đó về thể chất hay cảm xúc không.
- Họ bới móc, chỉ trích trẻ vì mọi thứ.
- Họ thường xuyên coi thường trẻ hoặc nạt nộ trẻ mà không có dấu hiệu thay đổi. Họ còn có thể gọi trẻ bằng những từ ngữ tiêu cực như "vô dụng", "quỷ quái"…
- Họ mặc định rằng con bạn phải quan tâm, chăm sóc họ. Họ cũng có thể tỏ ra ghen tị khi các thành viên trong gia đình nhận được sự chú ý của trẻ.
- Họ không ngần ngại trừng phạt hay kỷ luật trẻ theo cách đánh đập, bạo lực.
- Họ đặt ra những kỳ vọng phi thực tế về sự phát triển thể chất hoặc điểm số ở trường của trẻ.
- Họ áp đặt những cấm đoán nặng nề với đối tượng mà trẻ có thể tiếp xúc, liên hệ.
- Họ đưa ra lời giải thích không rõ ràng hoặc trái ngược về việc trẻ bị thương như thế nào hoặc hoàn toàn giữ im lặng về thương tích của trẻ.

Có một lưu ý này với các phụ huynh: Việc kỷ luật con không có gì sai. Nhưng sử dụng bạo lực thân thể như đánh, tát có thể để lại những vết sẹo vĩnh viễn về tâm lý, cảm xúc.

Nguồn: Parent, Mayoclinic