Mới đây trên mạng xã hội tiếp tục chia sẻ một đoạn clip ghi lại tình huống một em bé bị hóc kẹo. Tình huống này được camera của gia đình chị Nguyễn Thị Kiều My ghi lại, và em bé gặp nguy hiểm chính là con gái của chị. 

Cụ thể đoạn clip ghi lại khoảnh khắc hỗn loạn của gia đình chị My, khi chị đang bế dốc ngược con của mình chạy từ cầu thang xuống dưới. Đồng thời, chị dùng một tay còn lại đập mạnh vào lưng bé với hy vọng có thể sơ cứu tình trạng hóc kẹo của bé. Chị My nhanh chóng lao ra cửa để đưa con đi cấp cứu. Kèm theo clip là hình ảnh những viên kẹo dẻo chip chip mà bé ăn và bị hóc.

Bé hóc kẹo dẻo

Chia sẻ trong bài đăng của mình, chị My kể chị cũng đã nghe nhiều khuyến cáo về nguy cơ tiềm ẩn của món kẹo dẻo chip chip nhưng thỉnh thoảng vẫn thường mua cho bé ăn. Quả thật, chị không hề nghĩ đến một ngày trường hợp hóc kẹo lại xảy ra với con mình.

Được biết em bé bị hóc là con thứ 2 của chị My, tên Đặng Tuệ Nhi và hiện đã được 21 tháng tuổi. Như mọi khi được mẹ cho kẹo, bé vừa ăn vừa chơi cùng chị gái của mình. Do chủ quan, chị My cũng không trông con cẩn thận, đến lúc quay sang thấy con cứ ngắc ngứ, trợn mắt, chưa đầy 1 phút mặt bé đã nhợt nhạt, môi bắt đầu tím tái vào vì không thở được.

Trong giây phút hoảng loạn, chị My bỗng nhớ ra cách sơ cứu trẻ bị hóc nghẹn trên mạng xã hội liền dốc ngược chân lên, thả lỏng cơ thể con xuống rồi dùng hết sức lực vỗ mạnh vào lưng, vừa vỗ vừa chạy đưa con đi cấp cứu. Rất may là khi vừa chạy ra đến sân trước nhà viên kẹo đã trôi ra khỏi họng bé, con lúc này mới thở được.

Món kẹo dẻo mà bé Tuệ Nhi ăn và bị hóc.

Chia sẻ với chúng tôi khi chứng kiến con gái rơi vào tình huống nguy hiểm này, chị My cho biết: "Gặp tình huống như vậy mình hiểu là ai cũng cuống lắm. Nhưng mình cũng may mắn là kịp nhớ mang máng cách sơ cứu từng đọc trên mạng, rồi làm theo nhưng cũng chưa thật sự chuẩn kỹ thuật lắm. Cũng may là viên kẹo bật ra sớm, chứ lúc đó mình cũng không biết phải làm thế nào hơn nữa nếu viên kẹo không chịu bật ra".

Hiện tại, tình hình của bé Tuệ Nhi đã ổn định trở lại, sức khỏe phát triển bình thường. Thông qua tình huống nguy hiểm đã xảy ra với bé nhà mình, chị My cũng muốn nhắn gửi lời cảnh báo để các phụ huynh, gia đình có con nhỏ cần cẩn thận lưu ý đến việc chuẩn bị đồ ăn hoặc đồ chơi cho con. Không chỉ là những viên kẹo ngọt ngọt, thơm thơm mà còn nhiều vật dụng, đồ dùng nhỏ khác. Vì các bé rất dễ bỏ mọi thứ vào miệng mà chưa phân biệt được có nguy hiểm hay không.

Ngoài ra, các bố mẹ cũng cần trông con cẩn thận, nên dành thời gian học một số cách sơ cứu đơn giản để nếu lỡ không may gặp phải trường hợp tương tự còn biết cách kịp thời sơ cứu.

Cách sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc dị vật:

- Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng, gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn.

- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ được lấy ra.

- Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, bố mẹ cần phải tiến hành thủ thuật Heimlich để can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới. Thủ thuật này được thực hiện như sau:

- Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cẳng tay, dùng gót của bàn tay thuận đập vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương vai) khoảng 5 lần liên tục. Lực đập cần chắc chắn.

- Sau 5 lần đập lưng mà chưa thấy dị vật văng ra, đường thở chưa được thông, tiếp tục đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn, dùng 2 ngón tay giữa ấn thẳng 1 góc 90 độ vào giữa xương ức (xương to giữa ngực trẻ). Động tác này cũng thực hiện 5 lần.

- Sau khi thực hiện sơ cứu như trên mà chưa loại bỏ được dị vật khỏi đường thở của trẻ, cần tiếp tục lặp lại các động tác sơ cứu trên trong khi chờ xe cấp cứu đến.

Con bỗng ngắc ngứ, tím tái mặt mày vì bị hóc, nguyên nhân hóa ra do mẹ chủ quan cho con ăn một món từng được cảnh báo  - Ảnh 4.