Trong các gia đình, con gái thường có xu hướng quấn bố hơn mẹ, có lẽ vì bố nhẹ nhàng, tình cảm và nuông chiều con hơn. Cũng vì thế mà nhiều người hay so sánh, ví von ''Con gái là người tình kiếp trước của bố'', mục đích của câu nói này để nhằm chỉ tình cảm đáng yêu, thiêng liêng và sâu đậm của bố dành cho bé, tuy nhiên nhiều người lại cho rằng sự so sánh này vô tình sẽ dẫn đến việc không ít trẻ có những suy nghĩ lệch lạc.
Mới đây, một bà mẹ đã kể lại câu chuyện của gia đình mình khiến nhiều người phải suy ngẫm. Cụ thể, khi chứng kiến hai bố mẹ hôn nhau, bé gái đã có sự phản kháng quyết liệt, thậm chí là tỏ thái độ khó chịu rõ ràng khiến bố mẹ cảm thấy vô cùng bối rối.
''Hôm qua khi cả nhà đang cùng ngồi chơi với nhau thì chồng mình quay sang ôm mình, con gái 4 tuổi rưỡi nhìn thấy và tỏ ra khó chịu. Mình nghĩ cũng bình thường thôi nên chỉ cười cho qua. Hai bố mẹ bất ngờ hôn nhau. Cứ tưởng bé con chỉ phản ứng đơn giản là không thích nhưng bất ngờ bé đẩy mẹ ra rất mạnh, cáu bẳn và nhìn mình với biểu cảm như nhìn một kẻ thù.
Sau đó bé gào lên khóc rất lớn, quay lại quát bố ''tại sao bố lại hôn mẹ, bố phải hôn con chứ''. Chồng mình nhẹ nhàng nói ''nhưng mẹ là vợ của bố, và chỉ bố mẹ mới hôn nhau thôi con ạ''. Bé lại thét lên ''nhưng rõ ràng con mới là người tình kiếp trước của bố cơ mà, sao bố không hôn con như thế''?.
Câu nói của con làm chúng tôi khá sững sờ, có lẽ bé đã vô tình hiểu sai về câu nói này chăng. Cuối cùng, chồng mình đã hôn lên trán con để thể hiện tình yêu và giải thích rằng bố cũng yêu con nhưng tình cảm cha con khác với tình cảm bố mẹ dành cho nhau'', chị Thuỳ Linh chia sẻ.
Những ngày sau đó, bé gái vẫn tiếp tục giận dỗi, cho rằng mình mới là người mà bố yêu nhất trên đời chứ không phải mẹ. Sự cá tính cùng thái độ của con gái khiến chị Linh cảm thấy bối rối, tự hỏi không biết mình đã sai ở đâu khi nói với con câu trên.
Dưới phần bình luận, đa số phụ huynh đều phản đối và cho rằng câu nói ''Bố là người tình khiếp trước của con gái'' cần phải ngưng lại. Họ nêu ra quan điểm không phải những người có suy nghĩ ''đen tối'' mới nghĩ đến mặt trái của câu nói mà là tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc những gì nên hay không nên nói với một đứa trẻ.
- Sao không gọi là sinh mệnh của bố, bảo bối của bố, châu báu của bố, trái tim của bố, thiên thần của bố? Tiếng Việt phong phú không phải để các bạn dùng từ lệch lạc áp vào tình huống không đúng rồi bắt người ta phải nghĩ trong sáng về nó đâu.
- Theo mình nên giải thích với bé tại sao lại có cách so sánh như vậy. Tuy nhiên để tránh lối suy nghĩ lệch lạc hoặc làm bé khó hiểu thì đừng nên nói với bé. Trong gia đình, bố cũng nên có sự phân biệt, như cách làm của chủ post mình đồng tình. Bố hôn môi mẹ nhưng sẽ chỉ hôn trán bé mà thôi.