Khoảng nửa tháng trước, gia đình bé 32 tháng tuổi (quê ở Thạch Khoán, Thanh Sơn) tổ chức đi chơi ở thác nước. Những ngày đầu trở về sau chuyến đi chơi, bé không có biểu hiện bất thường. Sau đó bé bị ho và thường xuyên chảy máu mũi, người xanh xao. Trong nửa tháng bé giảm 2kg. Thấy vậy gia đình đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra

Bác sĩ thăm khám và chỉ định cho bé nội soi mũi họng để kiểm tra. Quá trình này, bác sĩ phát hiện trong mũi bé có một con vắt sống.

Con vắt được gắp ra khỏi mũi, sức khỏe của bé gái ổn định, không còn ho, không chảy máu mũi.

Bé gái sút 2kg sau nửa tháng tắm thác nước, đến viện phát hiện có vắt trong mũi - Ảnh 1.

Con vắt trong mũi bệnh nhân được bác sĩ gắp ra ngoài. (Ảnh: BVCC)

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Chuyên khoa Tai Mũi Họng tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), dị vật là con vắt nằm trong mũi thường gây phù nề, xuất tiết, tắc nghẽn dẫn đến viêm mũi xoang, hoặc có thể bám hút ở các mạch máu lớn hoặc di chuyển xuống thanh quản. Nếu để lâu sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu mũi dai dẳng và gây thiếu máu mạn tính.

Vắt sống ở đất rất đói máu, chúng thường ẩn núp trong các hốc đá, dưới lá cây, dòng suối. Khi người hoặc các loại động vật đi qua, vắt búng nhảy và bám vào để hút máu. Vết hút máu trên da thường không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi chúng chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa.

Người dân không nên sử dụng nguồn nước không đảm bảo ở các khe suối để uống, sinh hoạt, đề phòng đỉa, vắt chui vào hốc tự nhiên của cơ thể. Đối với những người tắm suối, thác, ao, hồ khi có những triệu chứng như ngạt tắc mũi, vướng họng kèm theo có chảy máu mũi, ho khạc ra máu, khàn tiếng cần đi khám nội soi tai mũi họng ngay để loại trừ dị vật sống ở đường hô hấp trên.