Một ngày cuối tháng 1, cô bé Hina năm nay lên 4 tuổi được mẹ đưa đến trường để tham dự kỳ thi tiếng Anh Eiken tại Nhật, cấp độ 4. Hình dáng nhỏ nhắn của cô bé lai Việt - Nhật như lọt thỏm giữa những anh chị cấp 2, cấp 3, thậm chí lớn hơn. Trong một dãy hàng dài đứng xếp để được lên thang máy, ai cũng nhìn em như thể sợ bị... nhầm chỗ. Mẹ Hina phải mang theo ghế đệm cho em ngồi vì còn nhỏ chưa ngồi được ghế thường.
Vậy nhưng Hina sau đó tự tin làm bài trong hơn 1 tiếng 40 phút với đề thi đến người lớn cũng "xoắn não": Phần đọc 35 phút cho 35 câu, còn có thêm 3 bài đọc hiểu khá dài so với em bé 4 tuổi. Hina làm đúng khoảng 90% và đỗ kỳ thi Eiken level 4. Trước đó, ở cấp độ 5, Hina cũng một mình trong phòng thi 2 tiếng để làm bài đến giây phút cuối cùng đầy tự tin và bản lĩnh.
Điều đáng nói, Hina chỉ học ở nhà với sự đồng hành của mẹ. Hãy cùng trò chuyện với chị Hoa - mẹ Hina để biết phương pháp dạy ngoại ngữ cho con của gia đình Việt - Nhật này nhé.
Vạch rõ lộ trình, đồng hành cùng con từ 8 tháng tuổi
- Được biết bản thân chị và chồng vốn không giỏi tiếng Anh. Bé cũng không theo học trung tâm nào. Để Hina đạt được những thành tích như ngày hôm nay, hẳn chị đã xây dựng lộ trình học tập cho bé từ sớm?
Mình chỉ thích khối tự nhiên, hồi còn học ở trường thi qua được môn tiếng Anh là mừng ghê gớm. Nhận thấy tiếng Anh vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay nên mình đã cố gắng đồng hành cùng bé từ lúc con còn nhỏ. Ngay từ khi Hina 8 tháng, mình đã vạch ra một hướng đi, và theo các giai đoạn. Hina không phải chỉ học với học, mà mình lồng ghép việc học và chơi, và mọi cái bé đều tự nguyện, chứ không có bắt ép bé.
- Cụ thể, chị đã phân chia giai đoạn và đồng hành cùng bé ra sao?
Giai đoạn đầu mình cho bé làm quen các mặt chữ cái tiếng Anh, đây như là món đồ chơi của bé vậy, kết hợp cho bé nghe nhiều nhạc tiếng Anh, các đĩa CD về các câu chuyện cổ tích bằng tiếng Anh...
Đến tầm 10 tháng mình biết đến bút học song ngữ Nhật - Anh. Bộ sách gồm 10 quyển, và 1 bút đọc, kèm rất nhiều bài hát trong 1 quyển. Về chương trình thì bắt đầu từ các từ đơn giản phân chia ra nhiều chủ đề mức độ từ đơn đến câu. Bé sẽ chấm bút vào để nghe đọc và đọc theo (sau 1 tuổi) trước đó bé chưa nói được thì mình cho bé làm quen bằng việc nghe và nhìn là chính. Hình ảnh cũng vô cùng dễ hiểu. Mình cho bé đi theo lộ trình này tầm 1 năm. Và tất nhiên trong thời gian đó mình vẫn kết hợp cho bé nghe thêm từ các nguồn như CD, iPad. Các mẫu chuyện và bài hát...
Mình thấy hiện nay có rất nhiều phần mềm, giáo trình dành cho các bé mới bắt đầu, chủ yếu bố mẹ có biết cách và đủ kiên trì để khai thác hay không, điều mình muốn chú ý ở đây là tùy theo từng độ tuổi để chọn cho thích hợp. Chương trình chọn cho con cũng nên ưu tiên 3 vấn đề: 1 là có nghe, (nghe chuẩn); 2 là có sách để nhìn, hình ảnh dễ thương; 3 là có tập nói theo (đối với các bé biết nói, bố mẹ không nên ép con mà nên khuyến khích con nói theo và khen ngợi tạo động lực).
Khi bé 2 tuổi mình bắt đầu cho bé học thêm phần mềm "Monkey Junior" trên iPad. Phần mềm này mình thấy khá hay, mình nhớ khoảng 500K cho 1 năm học, vì bé mình đã theo chương trình kia nên lượng từ vựng cũng khá ổn, nên đi khá nhanh, phân chia thời gian ra bằng cách cho bé học xong 1 bài thì nghỉ ngơi, học và chơi cái khác sau đó cho học tiếp, chủ trương của mình không cho bé xem màn hình iPad 1 lần quá 15 phút) trong thời gian này mình vẫn duy trì những gì đang làm và kết hợp cho bé nghe thêm English sing sing, Cocomelon, Babybus, Peppa pig...
Mình vẫn duy trì nói chuyện với bé bằng các từ và hội thoại ngắn hằng ngày. Sau khi học xong phần mềm Monkey Junior (Anh và Việt) mình chuyển qua học tiếp Monkey Stories. Nhưng vì mình muốn cho bé học nguyên bộ đầy đủ cả nghe, kết hợp đọc sách đúng chủ đề nên mình chuyển tiếp qua bộ Grapeseed. Bé học bộ này khá nhanh, sau đó mình vừa cho bé học Grapeseed vừa cho bé đọc thêm sách Razkids mỗi ngày. Mình vẫn duy trì cố gắng tăng cường nói chuyện bằng tiếng Anh hằng ngày với các câu từ đơn giản với bé.
- Hina hoàn toàn học ở nhà với mẹ hay có đến trường ạ?
Từ khi Hina gần 4 tuổi bắt đầu cho bé đi học mẫu giáo nhỏ. Gọi là trường quốc tế nhưng chỉ dạy tiếng Anh 1 tiếng/ngày, chương trình ở đây bắt đầu học bảng chữ cái, vì Hina tại thời điểm này khả năng nghe, nói đọc cũng rất ổn, nên bạn ấy rất tự tin nói chuyện với cô giáo nước ngoài. Nhưng vì số lượng học sinh 30 em/lớp nên cũng không có nhiều cơ hội nói với cô giáo lắm.
Khi Hina bắt đầu học mẫu giáo nhỏ thì mình cũng đăng ký cho bé học ngoại khóa môn thể dục dụng cụ, rất may ở đây có 1 bé bằng tuổi Hina cũng nói được tiếng Anh nên Hina có bạn để giao tiếp. Mình cũng có kết nối được với cô giáo bản xứ để bé có cơ hội nói chuyện qua mạng với cô nhưng vì chênh lệch múi giờ và cô giáo cũng khá bận nên không duy trì được lâu.
Hiện tại ở nhà mẹ bắt đầu cho bạn ấy làm quen chương trình mẫu giáo của Mỹ qua phần mềm Abeka với các bài giảng bằng video, khả năng nghe hiểu của bé cũng khá tốt nên mình thấy bé rất thích thú. Mình vẫn duy trì cho bé đọc Razkids mỗi ngày. Mình nhận thấy bé vô cùng yêu thích tiếng Anh nên cũng có dự tính trang bị cho bé những cái cần thiết để sau này bé vào học tiểu học Hệ quốc tế - Tiếng Anh tại Nhật không bị các rào cản ngoại ngữ.
- Nhiều người quan niệm, học ngoại ngữ không nên bỏ qua giai đoạn vàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng cho rằng cách thức, phương pháp và sự tập trung quan trọng hơn giai đoạn. Qua hành trình đồng hành cùng Hina, chị nhận định thế nào về quan điểm này?
Mình nhận thấy khả năng hấp thu ngoại ngữ đối với các bé trong giai đoạn từ 0-6 tuổi đặc biệt từ 0-3 cực kỳ hiệu quả với hình thức chủ động kết hợp thụ động. Mình cũng đọc khá nhiều đầu sách về sự phát triển của các bé cùng với sự rút ra từ bản thân mình thì các bé tầm giai đoạn càng nhỏ khả năng tiếp thu ngoại ngữ càng nhanh và hiệu quả vì các bé chưa phân biệt được đâu là tiếng mẹ đẻ đâu là ngoại ngữ.
Ví dụ như bé Hina nhà mình lúc 2 tuổi rưỡi đã nhớ được các chữ Hán tự dành cho bậc học sinh tiểu học lớp 1 tại Nhật. 3 tuổi bé nhớ gần 200 quốc kỳ các nước trên thế giới. Định vị được 1/3 vị trí các nước trên bản đồ. Nên mình thấy khả năng hấp thu kiến thức nói chung cũng như ngôn ngữ nói riêng trong giai đoạn này là vô cùng hiệu quả.
Tuy vậy cũng không có nghĩa là từ 6 tuổi trở đi học ngoại ngữ không hiệu quả, các bé bước qua giai đoạn đó thì việc học vất vả hơn, cần nhiều thời gian hơn, sự kiên trì hơn, và nhiều khi phương pháp đồng hành cũng sẽ khác.
Nếu "đầu tư" nhưng chưa nhìn thấy thành quả thì bạn chưa đủ kiên trì hoặc định hướng không phù hợp
- Theo chị, năng khiếu đóng vai trò như thế nào trong việc học ngoại ngữ? Và ngoài năng khiếu, yếu tố nào là quan trọng nhất?
Riêng bản thân mình thấy đối với các bé nhỏ trước khi xuất hiện năng khiếu là nên tạo không gian, môi trường, tạo điều kiện, tạo hứng thú cho bé, để kích thích bé, khi bé thích thú thì bé sẽ tiếp thu học hỏi nhanh hơn. Giống như kiểu tạo điều kiện kích hoạt đúng và đủ "tần số" của bé, thì bé sẽ thích thú và từ đó khả năng của bé vượt trội hơn mà mọi người gọi là năng khiếu.
Nhiều mẹ bảo rằng con tôi nó không có năng khiếu học tiếng Anh đâu, nên không kiên trì đầu tư cho con thì quả đúng là đáng tiếc. Các bé ở mỗi giai đoạn sẽ có sự phát triển khác nhau, nhưng nếu mỗi người mẹ chúng ta biết tạo không gian, môi trường biết vạch kế hoạch, và chịu khó kiên trì đồng hành mỗi ngày cùng con.
Điều quan trọng nhất là phải hiểu tâm lý, cảm xúc của bé để đồng hành cùng con trên đường dài, đừng quá nóng vội, vô tình tạo áp lực cho bé, hãy cố gắng tạo cho bé 1 cảm giác thoải mái, vui vẻ thì việc đồng hành mới có hiệu quả. Nếu bạn chưa nhìn thấy thành quả thì bạn chưa đủ kiên trì hoặc định hướng không phù hợp.
Mình cũng đã có quen 1 người bạn Nhật, bạn này đầu tư tính ra cả hơn 200 triệu cho giáo trình học của con và cuối cùng cũng đem đi thanh lý còn con cũng không nhìn thấy hiệu quả nỗi bật nào. Khi gặp, mình khuyên bạn ấy kiên trì đi từng bước thì giờ cũng có tiến bộ lên rất nhiều. Theo mình, không phải cứ bỏ tiền nhiều để mua giáo trình đắt là hiệu quả, chính phương pháp đồng hành, sự kiên trì, để khai thác nó là rất quan trọng.
Ngoài ra tương tác đồng hành cùng bé mỗi ngày sẽ có thêm nhiều cung bậc cảm xúc cùng con, nhìn thấy được sự tiến bộ mỗi ngày của con, gắn kết tình cảm mẹ con qua quá trình đồng hành.
- Việc học tiếng Anh của bé thường không thể tách rời việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Tần suất chị cho con sử dụng các thiết bị này như thế nào?
Đối với các bé từ 0-2 mình nghĩ không nên cho tiếp xúc với công nghệ màn hình iPad, điện thoại hay tivi, máy tính. Theo nhiều nghiên cứu thì khi bé tiếp xúc màn hình công nghệ sớm, quá nhiều làm hạn chế sự phát triển của não bộ, giảm sự tập trung...
Khi bé 2 tuổi trở đi mình cho bé học theo phần mềm trên app như có trao đổi ở trên với thời gian 1 ngày 1, 2 lần tối đa 30 phút/ngày, 1 lần không quá 15 phút, khi bé học mẹ cùng ngồi bên cạnh giúp bé học tốt hơn, chứ không phải giao cho con ngồi 1 mình.
Những chương trình bé yêu thích thì thỉnh thoảng cho bé xem, tuần khoảng 2 lần mình cho bé xem DVD các phim hoạt hình mà bé yêu thích bằng tiếng Anh. Nhưng mình chỉ giới hạn xem hoạt hình 1 tuần khoảng 2 lần. Mỗi lần cũng chỉ được xem 15 phút (cho bé đeo kính chống ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị).
- Nhiều người lo lắng việc không rành tiếng Anh dạy con có thể khiến bé phát âm sai. Chị có lời khuyên nào cho các bố mẹ không giỏi tiếng Anh muốn đồng hành cùng con?
Chính bản thân mình cũng là người mẹ không giỏi tiếng Anh nếu không muốn nói là kém. Nên mình cần hỗ trợ từ các thiết bị như máy đọc CD, đặc biệt các sách truyện mà có kèm CD. Mình kém tiếng Anh nhưng vẫn đọc sách truyện tiếng Anh cho con các truyện từ ngữ ngắn, các truyện dài mình cũng cố gắng nghe kỹ từ đĩa, hoặc tra cách đọc nếu mình không biết. Nếu bé được nghe từ nhiều nguồn chuẩn thì khi mẹ có phát âm sai bé cũng sẽ nhận ra và không học theo đâu.
- Bé học tiếng Anh đồng thời giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Nhật. Chị có chú trọng việc rèn luyện tiếng Việt cho bé không?
Một ngày thời gian 2 mẹ con gặp nhau cũng có vài tiếng, nên mình cũng cố gắng phân chia ra thời gian học ngoại ngữ, thời gian chơi sao cho hợp lí. Tuy thời gian mình đầu tư tiếng Việt ít hơn nhưng từ khi hơn 2 tuổi là bé đã biết đọc sách tiếng Nhật, tiếng Anh và sách tiếng Việt, là bé biết đọc chứ không phải bé nhớ vẹt.
Vì sống ở Nhật cũng như phục vụ cho việc học của bé sau này nên mình ưu tiên thứ tự ngôn ngữ là tiếng Nhật, tiếng Anh, Tiếng Việt, khả năng của bé bây giờ là tiếng Nhật nhỉnh hơn 1 tí so với tiếng Anh, còn tiếng Việt ở mức giao tiếp đơn giản. Sau này bé lớn hơn thì mẹ cũng tạo điều kiện cho con học viết thêm tiếng Việt.
- Một trong những điều khiến Hina nhận nhiều sự yêu mến chính là ngoài việc học giỏi ngoại ngữ, bé cũng rất tự tin, có thể tự lập ở trường thi toàn các anh chị lớn. Chị đã giúp con rèn sự tự tin này như thế nào? Quan điểm dạy con của chị ra sao?
Để bé có được sự tự tin thì mình nghĩ sẽ liên quan đến rất nhiều yếu tố, với phương châm giáo dục của vợ chồng mình là tôn trọng, lắng nghe cảm xúc, ý kiến, suy nghĩ của con, tạo điều kiện tối đa để con được nói lên ý kiến riêng và suy nghĩ của mình, luôn khen ngợi, động viên khích lệ con. Hãy khen cụ thể từng hành động, sự việc của bé, để giúp bé hiểu nhanh vấn đề và luôn thấy bản thân có giá trị, được chú ý.
Và những việc liên quan đến con, mình nhận thấy không nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, và không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh thì mình đều để con tự suy nghĩ đưa ra quyết định, bản thân con tự chịu trách nhiệm về vấn đề đó như chọn món ăn, chọn đồ... Những điều có vẻ đơn giản nhưng lặp đi lặp lại hằng ngày như thế này sẽ giúp bé tự tin, mạnh dạn với mọi người.
Nhà mình luôn dành các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, ngày lễ để đưa con đi du lịch khắp các tỉnh thành Nhật Bản. Thông qua các chuyến đi mình thấy bé tự tin hơn rất nhiều, tính cách cũng rất vui vẻ, hòa đồng. Mình nghĩ cho con ra ngoài nhiều hơn giúp con tăng cảm xúc và phát triển kỹ năng quan sát, tư duy nhận thức.
- Cảm ơn chia sẻ của chị.