Theo lời kể người nhà, bé được đẻ tại bệnh viện huyện, sau khi ra viện về nhà, bé được tắm bằng nước lá cây đun sôi theo dân gian vài lần. Cách ngày vào viện 3 ngày, bé quấy khóc nhiều, da toàn thân vàng đậm màu, khó thở, bụng chướng căng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng điều trị.
Qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm, bé được chẩn đoán: Viêm ruột/Nhiễm khuẩn huyết. Tình trạng bé rất nặng nên đã được chuyển tuyến Trung ương để điều trị tiếp.
Theo các bác sĩ Khoa Nhi, vàng da sơ sinh có thể ở nhiều mức mức độ như nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng (vàng da bệnh lý).
Trong một số ít trường hợp, vàng da là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và khi đó vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.
Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.
Mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Cùng với vàng da có xuất hiện các triệu chứng bất thường khác trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật...
Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng hơn bình thường. Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.
Trong dân gian việc dùng các loại lá cây đun nước để tắm cho trẻ sơ sinh chữa vàng da là việc làm quen thuộc, theo kinh nghiệm hoặc mách bảo nhau. Tuy nhiên tắm bằng lá cây cho trẻ là việc cần cân nhắc, thận trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Da trẻ nhỏ rất mỏng đặc biệt là trẻ sơ sinh, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Đa phần việc dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết ở trẻ vàng da sơ sinh là do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài.
Đặc biệt vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Có 2 cách chữa vàng da là chiếu đèn và thay máu cho trẻ, tùy vào triệu chứng của mỗi trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng theo phương pháp nào.
Nếu trẻ bị vàng da ở mức độ nhẹ có thể tự điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng: đặt trẻ gần cửa sổ nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8 giờ đến 8 giờ 30 mỗi sáng). Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh bilirubin qua đường tiêu hoá. Hằng ngày, cần theo dõi các vùng lan rộng của vàng da và các biểu hiện kèm theo. Theo dõi liên tục trong vòng 7 - 10 ngày sau sinh.
Để tránh mang lại phiền phức cho bé, thậm chí là những di chứng suốt đời, các bà mẹ nên tắm trẻ theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường, không nên dùng lá pha nước tắm cho trẻ một cách tùy tiện, không được hướng dẫn rõ ràng. Khi thấy da bé có tình trạng vàng da nặng lên, nổi mẩn đỏ bất thường, có dấu hiệu lan rộng nên đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám và điều trị kịp thời.