Vì sao bé thích mút tay?

Mút tay là một trong những thói quen sớm nhất ở bé, có khi bắt nguồn ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. Mút được coi là phản xạ mạnh mẽ nhất ở các bé vì nó giúp bé trong việc ăn uống và phát triển trong giai đoạn đầu đời. Mút ngón tay là thói quen được xây dựng trên phản xạ mút và còn có tác dụng làm bé bình tĩnh - trấn an tâm lý cho bé.

Mút tay không chỉ là dấu hiệu cho thấy bé đói, cần được ăn mà còn biểu hiện nhiều ý nghĩa khác. Nếu bé nhà bạn mút tay ngay trước giờ ăn thì có thể là do bé bị đói nhưng nếu bé mút tay sau khi ăn thì có thể mang ý nghĩa khác. Nếu bạn nhận thấy bé yêu có thói quen mút tay ngay sau khi tắm, lúc ngồi trước màn hình tivi, ngồi trong xe hơi, trước giờ đi ngủ hoặc ngủ lại sau khi được cho ăn thì lý do có thể do bé buồn chán, buồn ngủ nhiều hơn là do đói. Mút ngón tay trước giờ ăn hoặc trong giấc ngủ có thể do bé chưa được thỏa mãn cơn mút trong giờ ăn hoặc có thể do bé bị đói.

Tác hại từ thói quen mút tay

Bé ngậm ngón tay quá sâu khiến bé dễ bị nôn trớ, nhất là sau ăn uống. Ở những bé có động tác mút mạnh liên tục (thậm chí nhai hoặc dùng lưỡi đẩy) có thể gây ra một số tổn thương ở da ngón tay, răng và hàm. Da ngón tay bị nứt đi nứt lại, lở loét sẽ tạo điều kiện cho vi trùng bên ngoài xâm nhập vào dưới da, gây viêm da mủ.

Mút tay nhiều, lâu ngày còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường. Thậm chí biến dạng răng và hàm; miệng bé trở nên vẩu (do răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (do một hàm bị đưa vào trong); lệch khớp cắn; rối loạn phát âm. Sau này cần phải đến nha khoa để điều trị.

Mút tay chưa rửa sạch sẽ khiến cho bé bị các bệnh lây truyền qua đường miệng như bệnh tay chân miệng và các bệnh đường tiêu hóa...

Giúp bé bỏ tật mút ngón tay

- Khiến bé chú ý đến đồ vật khác: Ngay khi bé định đưa ngón tay lên miệng, bạn thử đánh lạc hướng bé, bằng cách động viên bé tham gia vào một trò chơi mà bé phải sử dụng cả hai tay.

- Sự hỗ trợ của bạn bè: Bạn bè đóng vai trò quan trọng với các bé ở mọi độ tuổi. Nếu mẹ cho bé làm quen với những bạn không có tật mút tay thì điều này sẽ tác động tốt đến bé. Nên nhờ các bạn của bé nhắc nhở khi thấy bé mút tay, dần dần, bé sẽ tự động rời xa thói quen này.

- Chọn thời điểm bé đã sẵn sàng: Nếu bé nói “Mẹ ơi, mút tay là xấu phải không? Con không muốn xấu” thì bé đang cần sự trợ giúp của bạn. Lúc này, bé đã biết xấu hổ, vì thế, 2 mẹ con nên có những "ám hiệu" riêng; ví dụ, khi bé đưa ngón tay lên miệng một cách vô thức, bạn thử tìm cách ra hiệu bí mật để bé "tỉnh ra".

- Biện pháp khác: Quấn băng dính vào ngón tay mà bé hay mút, nhắc bé đây là hành vi không được phép. Nếu hành vi mút tay tái diễn nghiêm trọng, bạn nên tìm lời khuyên từ bác sĩ. Để ngăn ngừa chứng mút tay vô thức, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một loại dung dịch bôi vào ngón tay cho bé.

Với bé lớn hơn (4 tuổi), bạn có thể chọn những bức ảnh có minh họa về vi khuẩn. Sau đó, bạn giải thích cho bé hiểu, vi khuẩn cư trú nhiều trên bàn tay và sẽ theo vào miệng của bé, làm răng bé bị đau.

Nếu lên 6 tuổi bé còn thích mút tay, bạn nên trao đổi điều này với bác sĩ tâm lý.