Mới đây, một bà mẹ ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã đưa cậu con trai 11 tuổi đến đồn cảnh sát. Sau đó, cậu bé tự nhận đến đầu thú, đồng thời khai rằng nhiều lần lén lút ăn trộm tiền của gia đình để mua đồ chơi.
Sau khi nghe kĩ câu chuyện, vị cảnh sát đã giáo dục cho đứa trẻ hiểu rằng trộm cắp là hành động vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí đi tù.
Cuối cùng, cậu bé đã nhận ra lỗi lầm và xin lỗi mẹ, đồng thời viết lá thư cam kết không bao giờ làm hành động ăn trộm tiền của gia đình nữa. Sau khi nghe những lời của đứa trẻ, nam cảnh sát cũng hi vọng đây sẽ là bài học "nhớ đời" trong hành trình trưởng thành của em.
Thực tế ở Trung Quốc, những năm gần đây, ngày càng nhiều trẻ em bị cha mẹ đưa đến đồn cảnh sát để mong được giáo dục pháp luật. Nguyên nhân hay được đưa đến nhất là do trẻ trộm tiền trong gia đình, hay trộm đồ chơi của bạn bè.
Tháng 8, một bé gái 10 tuổi ở tỉnh Chiết Giang đã bị bố thẳng thừng đưa đến đồn cảnh sát. Cô bé thích đồ ăn vặt nhưng bị bố cấm ăn vì lo ngại sức khoẻ. Đứa trẻ đã lấy trộm tiền của bố mẹ, sau đó nhờ bạn mua hộ đồ ăn. Cuối cùng, dưới sự giải thích của cảnh sát, cô con gái đành viết giấy cam kết hứa không bao giờ trộm tiền nữa.
Trong khi đó, ở tỉnh An Huy, một bà mẹ cũng dẫn con trai đến đồn cảnh sát địa phương để nhờ dạy dỗ . Trước đó, cậu bé nhiều lần trộm đồ chơi đem về nhà. Mặc dù người mẹ đã liên tục giải thích, thậm chí la mắng, song đứa trẻ không hề để tâm. Khi phát hiện con tiếp tục ăn trộm, người mẹ vô cùng bất lực đã phải nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát.
Tranh cãi về việc nhờ cảnh sát dạy con
Sau khi kiểu giáo dục con cái này được chia sẻ, ngay lập tức đã tạo ra 2 luồng tranh cãi trên mạng xã hội.
Một số dân mạng ủng hộ cách giáo dục này, đồng thời cho rằng khi trẻ mắc lỗi, những bậc phụ huynh không hề chiều chuộng hay dễ tha thứ mà đã cố gắng tìm cách để bé hiểu ra lỗi sai.
Hành vi trộm cắp không hề là chuyện nhỏ. Nếu phát hiện trẻ có hành vi này thì phải được dạy dỗ nghiêm khắc để không được tái diễn. Đây cũng là biểu hiện cho việc cha mẹ rất có trách nhiệm trong giáo dục con.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một bên khác lại đánh giá việc cha mẹ nhờ vả cảnh sát là đang gây ảnh hưởng đến công việc và thời gian của họ. Khi con cái mắc lỗi sai, cha mẹ nên ưu tiên giáo dục trong gia đình, thay vì đùn đẩy trách nhiệm này lên người khác.
Trong vài trường hợp, cảnh sát buộc phải đe doạ hay quát nạt thì đứa trẻ mới hiểu chuyện. Đây là kiểu giáo dục khiến trẻ em sợ hãi, thậm chí nhiều bé chưa thực sự hiểu ra vấn đề đã phải nhận lỗi vì quá sợ cảnh sát. Ngoài ra, kiểu giáo dục này cũng dễ khiến trẻ có suy nghĩ không tốt, thậm chí không dám gọi cho công an nếu cần sự giúp đỡ.
Phân tích từ chuyên gia
Đánh giá về phương pháp giáo dục trên, một chuyên gia tâm lý đến từ Trung tâm Phát triển Phúc lợi cộng đồng Thành Đô, cho biết việc trẻ ăn trộm với số tiền ít trong gia đình là điều bình thường. Bởi khi còn nhỏ, trẻ vẫn chưa nhận thức rõ ràng mối quan hệ vật sở hữu "của tôi", "của cha mẹ", "của gia đình" khác nhau thế nào. Dần dần, trẻ sẽ dần hiểu được những điều này khi ở trong độ tuổi 12-18.
Khi phát hiện trẻ ăn trộm tiền ở nhà, cha mẹ nên giáo dục để con hiểu rằng đây là hành vi sai trái, không được lặp lại. Đồng thời, cho trẻ hiểu gia đình là nơi cho con tình yêu và hỗ trợ, tuy nhiên việc lén lút ăn trộm tiền trong nhà mình là hành động sai trái, không thể chấp nhận được
Vị chuyên gia cũng phân tích kiểu giáo dục khiến con sợ hãi (như đưa đến đồn cảnh sát) đôi khi có thể khiến trẻ sợ mà không dám lặp lại hành động nữa. Tuy nhiên, phương pháp dạy này có thể khiến trẻ suy nghĩ sai lệch, không thực sự hiểu rõ vấn đề mà chỉ biết sợ hãi nghe theo những gì người lớn nói.
Trong khi đó, Vương Quyên (chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục trẻ vị thành niên), cho biết cách dạy con đúng đắn không phải là doạ dẫm mà cha mẹ phải thực sự hiểu biết, quan tâm và kiên nhẫn với vấn đề của con.
Khi phát hiện con làm sai, đầu tiên, cha mẹ nên giải thích để trẻ hiểu được bản chất của vấn đề. Sau đó, truyền động lực cho bé dám nhận ra lỗi sai, nuôi dưỡng lòng dũng cảm để con quyết tâm sửa chữa lỗi lầm. Ngoài ra, cha mẹ cũng phải tin tưởng rằng con mình có khả năng sửa chữa lỗi sai và trưởng thành hơn sau những bài học.
Nguồn: Sina