Ngày 20/11, bác sĩ Phạm Ánh Tuyết, Phòng Tâm thần nhi – Thanh thiếu niên Viện sức khoẻ Tâm thần Quốc gia cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên - Rối loạn học tập.

Theo người nhà bệnh nhi, nam thiếu niên là con thứ nhất trong gia đình có hai trẻ, tiền sử sinh ra khoẻ mạnh. 6 tháng tuổi có thể nói được các nguyên âm, biết gọi “ba, ma” khi 9 tháng, bập bẹ lúc 1 tuổi, nói được các câu ngắn 2-3 từ khi 3 tuổi. Bệnh nhân biết lẫy, bò, đứng, đi tương xứng với độ tuổi.

Tuy nhiên, đến 4 tuổi bệnh nhân vẫn chỉ nói được các câu ngắn, khó khăn trong việc mô tả một bức tranh hoặc kể câu chuyện một cách liền mạch, không thuộc lời được những bài hát hoặc bài thơ đơn giản như những bạn cùng lứa tuổi. Trẻ khó thực hiện những động tác yêu cầu sự khéo léo của bàn tay như lắp lego, đóng cúc, có thể nhận biết mặt chữ tuy nhiên chưa biết ghép từ thành câu.

Bệnh nhân đi học cấp một đúng độ tuổi, từ lớp 1 đến lớp 5 em học giỏi môn toán, có thể tiếp thu, ghi nhớ các kiến thức được dạy và áp dụng các công thức toán học bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân có khó khăn trong học môn tiếng Việt, khó hiểu về nội dung của câu chữ, khó khăn khi chép chính tả, chép sai từ trong sách in ra vở. Bệnh nhân nói chuyện không rành mạch, thường không nghĩ ra từ, phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để mô tả lời nói, vận động chậm chạp, ít giao tiếp với các bạn cùng lớp, các kĩ năng tương tác xã hội kém.

Bé trai 14 tuổi nhập viện tâm thần do rối loạn học tập - Ảnh 1.

Bác sĩ Phạm Ánh Tuyết chia sẻ về thông tin ca bệnh.

“Hiện tại bệnh nhi học lớp 9, thời gian gần đây em thường xuyên bị các bạn cùng lớp trêu chọc, dẫn tới sinh ra hành vi cáu gắt, thậm chí với cả bố mẹ. Trẻ xuất hiện hành vi kéo tóc của bạn, học hành sa sút, liên tục xoa đầu, không giao tiếp xã hội”, bác sĩ Phạm Ánh Tuyết chia sẻ.

Thấy hành vi lạ của con, cha mẹ nam thiếu niên đưa con đi khám tâm thần và được bác sĩ cho nhập viện điều trị nội trú trong 10 ngày, để can thiệp tâm lý kết hợp dùng thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi – Thanh thiếu niên Viện sức khoẻ Tâm thần Quốc gia cho biết, rối loạn học tập là một rồi loạn khởi phát trong giai đoạn giáo dục bình thường, một trong những nguyên nhân dẫn đến thành tích học tập kém.

Có hai loại rối loạn học tập phổ biến là rối loạn đọc và rối loạn tính toán.

Biểu hiện của rối loạn học tập bao gồm: Trẻ bị chậm nói, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái, khó khăn trong việc đọc, đánh vần, nói, nghe và viết, khó khăn trong lĩnh vực lý luận toán học và tính toán, các triệu chứng này kéo dài ít nhất 6 tháng, mặc dù đã can thiệp.

“Rối loạn đọc phổ biến nhất, chiếm 10-36% trẻ tuổi đi học, thường ở trẻ trai, trong khi rối loạn tính toán xảy ra ở 5-8% trẻ”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến nói và cho biết 53% trẻ em bị khuyết tật đọc, bị khuyết tật toán học, trong khi 46% trẻ em bị khuyết tật toán học cũng bị khuyết tật về đọc.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến cho hay, rối loạn học tập nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể giúp trẻ học tập và phát triển bình thường.

Hiện nay nhiều trẻ có biểu hiện rối loạn học tập từ nhỏ, nhưng do cha mẹ thiếu kiến thức nên không nhận ra sớm, hoặc nhiều cha mẹ không thừa nhận việc con mình có những rối loạn đó, nghĩ rằng khi lớn lên trẻ sẽ hết.

Bởi vậy nhà trường và giáo viên cần phải quan sát, hướng dẫn bố mẹ nếu thấy trẻ có biểu hiện rối loạn.

Nếu trẻ có rối loạn không sớm được can thiệp, có thể ảnh hưởng đến trẻ về sau này, có nguy cơ xuất hiện những rối loạn khác đi kèm.

Bé trai 14 tuổi nhập viện tâm thần do rối loạn học tập - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ về biểu hiện của chứng rối loạn học tập.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến khuyên cáo, nếu phát hiện trẻ có bất thường về phát triển, gặp khó khăn trong học tập, diễn đạt... cha mẹ nên cho con đi khám để phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ.

Vị chuyên gia tâm lý chia sẻ, cho đến hiện nay tình trạng rối loạn học tập vẫn chưa có bất kì loại thuốc điều trị nào và việc sử dụng thuốc cũng không được khuyến khích bởi nó có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Chỉ với một số trường hợp đặc biệt, trẻ bị rối loạn có kèm theo các triệu chứng tâm thần khác thì mới được cân nhắc dùng thuốc để kiểm soát.

Đa phần, những đứa trẻ bị rối loạn học tập đều được ưu tiên áp dụng các biện pháp can thiệp giáo dục đặc biệt. Tại đây các chuyên gia sẽ trao đổi, tiếp cận và hỗ trợ trẻ về những cách học và đọc hiệu quả. Trẻ cũng có thể được tiếp xúc với nhiều kỹ năng học mới và phù hợp hơn với mình để phát triển.