8 giờ sáng, ngày 9/2. Tiểu Vũ (2 tuổi) được đưa vào phòng cấp cứu, bệnh viện Harbin Children's Hospital (Trung Quốc). Tình trạng của Tiểu Vũ khi đó rất nguy kịch, sắc mặt của em tím tái, chân tay liệt, giãn đồng tử, mất ý thức và ngừng thở. Đội ngũ y, bác sĩ đã luân phiên hồi sức tim phổi cứu bệnh nhi thoát khỏi cơn nguy kịch.

Hóc đồ chơi ở trẻ: Việc hóc đồ chơi ở trẻ gây ngừng thở, mặt tím tái - Ảnh 1.

Mẹ bệnh nhi cho biết: "Hôm ấy nhà có khách đến chơi nên tôi mời khách hạt dưa. Một lát sau, đột nhiên Tiểu Vũ ho sặc sụa, lúc ấy tôi mới biết con ăn hạt dưa nên bị sặc. Tôi vỗ lưng con và thấy cơn ho đã giảm nên nghĩ con vẫn ổn. Thật không ngờ, hạt dưa đã rơi vào đường khí quản khiến con ngừng thở".

Hiện tại, Tiểu Vũ đã thoát khỏi cơn nguy kịch và đang nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực.

Một trường hợp khác, xảy ra vào buổi chiều ngày 9/2. Tiểu Lạc (8 tuổi) hóc dị vật là linh kiện đồ chơi và được đưa vào bệnh viện Harbin Children's Hospital.

Hóc đồ chơi ở trẻ: Việc hóc đồ chơi ở trẻ gây ngừng thở, mặt tím tái - Ảnh 2.

Thông thường khi dị vật tắc nghẽn ở đường thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành gắp nội soi để lấy dị vật ra. Tuy nhiên Tiểu Lạc còn nhỏ tuổi, không thể sử dụng phương pháp gắp nội soi bởi không phù hợp. Bác sĩ phải tiến hành gây mê toàn thân, trải qua ca phẫu thuật kéo dài hơn 40 phút, bác sĩ đã gắp ra một linh kiện đồ chơi dài khoảng 2cm.

Bác sĩ Dương nhắn nhủ: "Dị vật đường tiêu hóa thường không có triệu chứng rõ ràng nên dễ chẩn đoán sai và trì hoãn điều trị. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý khi thấy trẻ đang ăn đột nhiên khóc thét, nuốt khó khăn, chảy nước dãi. Nếu trẻ bị hóc dị vật, các bậc phụ huynh không nên cố móc dị vật ra mà cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị".

Nguồn: Kankanews