Bé trai 6 tuổi đã bắt đầu dậy thì: Nguyên nhân là do bà cho ăn 1 loại thực phẩm từ 2 tuổi
Khoa nội tiết thuộc BV nhi tỉnh Thâm Quyến, Trung Quốc, số bệnh nhân dậy thì sớm đang tăng lên từng năm và một trong số những nguyên nhân là do sử dụng những “thuốc bổ mù quáng”.
Điển hình là trường hợp của bé Hạo Hạo (tên nhân vật đã được thay đổi), 9 tuổi, sống tại Thâm Quyến.
Bé trai 9 tuổi dậy thì sớm vì bà cho ăn nhau thai
Mặc dù mới 9 tuổi nhưng bé Hạo đã cao 150 cm, giọng nói bắt đầu thay đổi và mọc râu. Trong khi đó, theo trí nhớ của cha mẹ bé Hạo, dương vật và tinh hoàn của bé đã phát triển như người lớn từ khi 6 tuổi.
Thế nhưng, cha mẹ của em lúc đó lại không hề để ý đến.
"Đây rõ ràng là một dấu hiệu của việc trẻ dậy thì sớm", bác sĩ Vương Nhậm – trưởng khoa nội tiết của Bệnh viện nhi Thâm Quyến nói.
Theo bác sĩ Vương Nhậm, nguyên nhân khiến bé Hạo dậy thì sớm là do bé được bà cho ăn nhau thai từ lúc 1 đến 2 tuổi.
Nghĩ rằng ăn nhau thai sẽ giúp cháu trai tăng khả năng miễn dịch, cứng cáp hơn nên bà của bé Hạo đã cho thêm một ít nhau thai vào cháo của bé.
Thấy cháu trai lớn lên khỏe mạnh, không chỉ bà mà cả bố mẹ bé Hạo đều rất vui mừng. Tuy nhiên, các y bác sĩ sau khi kiểm tra cho biết, các khớp xương của bé Hạo bị đóng sớm, khiến bé không thể phát triển chiều cao thêm được nữa.
Bác sĩ Vương Nhậm cho biết: "Nhau thai có chứa nhiều kích thích tố và enzyme. Nếu trẻ ăn nhiều nhau thai, đứa trẻ đó có thể bị dậy thì sớm".
Tỷ lệ trẻ dậy thì sớm tăng lên theo từng năm
Dậy thì sớm là bệnh phổ biến nhất liên quan tới nội tiết tố của trẻ em và tỷ lệ trẻ em dậy thì sớm đang tăng lên theo từng năm.
Tại phòng khám nội tiết của bệnh viện nhi Thâm Quyến, có khoảng 7.000 trẻ em tới khám mỗi tháng và trong số đó có tới 60% trẻ em bị dậy thì sớm. Trong khi đó, con số này năm ngoái là 40%.
Bác sĩ Vương Nhậm cũng đưa ra một ví dụ khác về việc dậy thì sớm ở trẻ em. Theo đó, một cặp chị em sinh đôi năm nay 12 tuổi và một người cao 1m48, người còn lại cao 1m49.
Khi bác sĩ Vương kiểm tra tuổi xương của các bé, bác sĩ phát hiện thấy các khớp xương của hai bé đã bị đóng và các bé sẽ không thể cao thêm được nữa.
Sau khi tìm hiểu, bác sĩ Vương mới ngỡ ngàng khi biết hai chị em song sinh này dậy thì từ khi mới 7 tuổi rưỡi. Tới 9 tuổi, hai đứa trẻ đã xuất hiện kinh nguyệt nhưng các bậc phụ huynh không hề để ý.
"Mặc dù một số đứa trẻ khi còn nhỏ có chiều cao, cân nặng tốt hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng điều này không có nghĩa là càng phát triển càng tốt.
Bởi theo thời gian, đứa trẻ đó có thể sẽ ngừng cao trước người khác và trở nên thấp lùn hơn", bác sĩ Vương nói.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Vương nói rằng hiện 80-90% dậy thì sớm không có lý do rõ ràng và trường hợp này được gọi là dậy thì sớm vô căn.
Theo báo cáo, dậy thì sớm được chia thành 2 loại. Loại thứ nhất là dậy thì sớm trung ương, do sự hoạt động sớm của trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục.
Loại thứ 2 là dậy thì sớm ngoại vi do bệnh lý tuyến sinh dục (khối u ở buồng trứng, tinh hoàn) hay thượng thận,…
Dấu hiệu nhận biết trẻ dậy thì sớm
Theo bác sĩ Vương Nhậm, tuổi dậy thì bình thường đối với bé gái là từ 10-12 tuổi, bé trai là 11-13 tuổi.
Vì vậy, nếu bé gái có ngực phát triển hơn bình thường trước 8 tuổi, xuất hiện kinh nguyệt trước 10 tuổi thì bé đó có thể đã bị dậy thì sớm. Đối với bé trai, dấu hiệu nhận biết là dương vật, tinh hoàn phát triển như người lớn trước 9 tuổi.
"Các bé gái thường phàn nàn về việc đau ngực, trong khi đó, các bé trai lại không có dấu hiệu rõ ràng. Một số bé trai mặc dù bị dậy thì sớm nhưng bộ phận sinh dục vẫn phát triển bình thường đúng như độ tuổi.
Chỉ khi bé bị vỡ giọng, người lớn mới phát hiện ra bé đã dậy thì. Tuy nhiên, đến lúc này mọi chuyện đã quá muộn", bác sĩ Vương chia sẻ.
Dậy thì sớm gây hại cho cả cơ thể và tâm trí của bé cũng như gây ra các vấn đề xã hội.
Bác sĩ Vương cũng khuyên rằng khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, phụ huynh nên đưa trẻ tới phòng khám chuyên khoa nội tiết nhi trong thời gian sớm nhất.
Cách ngăn chặn dậy thì sớm ở trẻ
- Tránh uống thuốc bổ sung mù quáng: Khi trẻ mới 1-2 tuổi, cân nặng và chiều cao của trẻ thường được bố mẹ đem ra so sánh.
Khi thấy con có vẻ "còi cọc" hơn so với các bé cùng lứa tuổi, một số phụ huynh thường bổ sung các sản phẩm sức khỏe cho con một cách mù quáng, khiến bé có thể bị thừa chất dinh dưỡng, dẫn đến thừa cân, béo phì – một trong những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị dậy thì sớm.
- Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn chiên rán, rau, thịt và trứng được kết hợp một cách hợp lý.
- Không nên cho trẻ ăn các thực phẩm chế biến sẵn.
- Cha mẹ nên để con nhỏ xem tivi, các kênh truyền hình đúng với độ tuổi.
- Không nên bật đèn ngủ vào ban đêm.
*Theo sina
Tiến sĩ Bùi Phương Thảo chia sẻ về tác dụng của thuốc ức chế dậy thì sớm.