Nhiều người cho rằng, trẻ lên 7, 8 tuổi thường bộc lộ một số thói hư tật xấu. Vậy nên trong giai đoạn này, người lớn phải giáo dục thật cẩn thận. Nếu không khi lớn, thói quen xấu của trẻ sẽ rất khó bỏ. 

Một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc mới đây đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải rơi nước mắt. Cậu bé Tiểu Hiên, 7 tuổi là một đứa trẻ mồ côi. Mẹ Tiểu Hiên mất do băng huyết, còn bố thì đi sang tỉnh khác làm việc nhiều năm, không hề có tin tức. Nhiều năm qua, cậu bé sống cùng bà. Hai bà cháu nương tựa, đùm bọc lẫn nhau qua ngày.

Một lần nọ, Tiểu Hiên giúp bà ra siêu thị mini gần nhà mua gói muối. Trong lúc thanh toán, nhân viên phát hiện túi áo của cậu bé phồng một cách bất thường nên đã chạy đến kiểm tra. Khi đi qua cửa từ, người cậu bé cũng phát ra tiếng kêu của chip gắn đồ.

Bé trai bị bắt quả tang ăn trộm trong siêu thị, bảo vệ chạy lại khám xét, món đồ được lôi ra khiến người xung quanh nín lặng - Ảnh 2.

Tiểu Hiên đã ăn trộm đồ trong siêu thị. (Ảnh minh họa)

Khi nhân viên siêu thị kiểm tra, họ ngỡ ngàng thấy thứ cậu bé ăn cắp lại là một hộp tăm bông. Điều này khiến mọi người tỏ ra khó hiểu. Bởi trẻ con nếu trộm đồ thường sẽ lấy những thứ mình thích như bánh kẹo, truyện tranh,... Vì vậy ông chủ siêu thị đã hỏi Tiểu Hiên lý do trộm hộp tăm bông.

Hóa ra bà cậu bé lúc nấu ăn đã bị dao cắt vào tay. Vì không có tiền mua tăm bông nên Tiểu Hiên đã lấy trộm để về nhà lau vết thương cho bà. Nghe xong câu chuyện, chủ siêu thị không khỏi thương cảm cho hoàn cảnh của đứa trẻ tội nghiệp. Sau đó, nhân viên siêu thị đã lấy cho Tiểu Hiên những bông băng y tế cần thiết và một số đồ ăn nhẹ. Đồng thời nhân viên siêu thị cũng giảng giải cho Tiểu Hiên biết, hành vi ăn trộm đồ là không nên.

Bé trai bị bắt quả tang ăn trộm trong siêu thị, bảo vệ chạy lại khám xét, món đồ được lôi ra khiến người xung quanh nín lặng - Ảnh 3.

Câu chuyện sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Ai nấy đều khen ngợi cách hành xử của siêu thị nọ. Thực tế trong quá trình trưởng thành, trẻ nhỏ không tránh được những lỗi lầm. Tuy nhiên khi trẻ mắc lỗi, người lớn không nên vội quy kết là hư, thay vào đó chúng ta cần tìm hiểu kỹ nguyên do hành động của trẻ.

Nếu vừa thấy trẻ mắc lỗi, người lớn đã vội mắng mỏ, trách phạt thì dễ dẫn đến những tình huống tồi tệ hơn. Hãy nhẹ nhàng tìm hiểu, sau đó giải thích cho trẻ biết hành vi của mình là không đúng và hậu quả nếu như có tái phạm. Bằng cách này, trẻ vừa bỏ được thói quen xấu, lại học được thêm nhiều điều.