Bé trai mắc viêm màng não nặng do vi khuẩn phế cầu - Ảnh 1.

Nhận thấy đây là một ca bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nặng, các bác sĩ Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh) nhanh chóng xử trí cấp cứu. Bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy do tình trạng tri giác xấu dần.

Tiếp đó, bệnh nhi được chụp CTScan sọ não và tiến hành thủ thuật chọc dò thắt lưng lấy dịch não tủy làm xét nghiệm. Đây là một xét nghiệm hết sức quan trọng góp phần giúp chẩn đoán viêm màng não.

Ngay lần chọc dò lấy dịch não tủy đầu tiên, các bác sĩ ghi nhận dịch não tủy của bệnh nhi là dịch đục, kết hợp với các chỉ số nhiễm trùng trong xét nghiệm máu tăng cao, nhận định ban đầu đây là một ca viêm màng não nặng với tác nhân vi khuẩn thường gặp trong nhóm tuổi này là phế cầu.

Các bác sĩ đã hội chẩn với lãnh đạo khoa và bệnh viện để sử dụng ngay những kháng sinh tĩnh mạch phổ rộng cho bệnh nhi.

Kết quả dịch não tủy ghi nhận số lượng tế bào bạch cầu trong dịch não tủy tăng rất cao với 8746 tế bào/ mm3, đồng thời các chỉ số sinh hóa trong dịch não tủy cũng thay đổi điển hình của một ca viêm màng não do vi khuẩn.

Trong thời gian đầu điều trị, bệnh nhi sốt cao liên tục, được hạ sốt, truyền kháng sinh liều cao và nhiều chế phẩm thuốc đảm bảo quá trình điều trị tích cực cho bệnh nhi. Các kết quả vi sinh như cấy máu và PCR đa tác nhân với mẫu dịch não tủy đều ra tác nhân dự đoán ban đầu là phế cầu, đây là nhóm vi khuẩn gây các bệnh cảnh viêm phổi, viêm màng não nặng rất thường gặp ở trẻ em.

Sau 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện hơn khi giảm sốt, tri giác cải thiện. Các chỉ số xét nghiệm máu và dịch não tủy những lần sau đều cho kết quả khả quan, đáp ứng điều trị. Bệnh nhi được rút nội khí quản và tiếp tục duy trì truyền kháng sinh.

Sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhi đã hồi phục hoàn toàn, tỉnh táo, ăn uống, vận động tốt và được cho xuất viện.

Qua ca bệnh trên, các bác sĩ lưu ý: Viêm màng não do phế cầu là một bệnh cảnh nặng, có nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Là tác nhân nguy hiểm, tuy nhiên hiện tại đã có vaccine phòng ngừa phế cầu.

Khi thấy con em mình có các triệu chứng nghi ngờ, hãy nhanh chóng đưa các bé đến khám và điều trị sớm nhất có thể. Điều này góp phần gia tăng cơ hội điều trị thành công và đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho các bé.