Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 31-12 đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế Bến Tre về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh thủy đậu.
Theo đó, thông tin từ hệ thống giám sát trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang ghi nhận ổ dịch bệnh thủy đậu xảy ra trong khu công nghiệp tại huyện Châu Thành. UBND và Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã chủ động có các chỉ đạo khẩn cấp để triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Bến Tre chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung dưới đây:
Tăng cường công tác giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để triển khai các biện pháp cách ly phù hợp và xử lý triệt để ổ dịch, đặc biệt là tại các cụm, khu công nghiệp; đảm bảo thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Phối hợp với Ban Quản lý các cụm, khu công nghiệp và các cơ sở giáo dục đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ; theo dõi sức khỏe của người lao động, trẻ em, học sinh.
Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để phối hợp và xử lý kịp thời; hướng dẫn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và hạn chế tiếp xúc với người khác.
Truyền thông về nguy cơ mắc bệnh, các dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu và các biện pháp phòng, chống; khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Cục Y tế dự phòng đề nghị thực hiện nghiêm việc thông tin, khai báo bệnh truyền nhiễm quy định.
Bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.