Bên trong 'chợ chú rể' 700 năm tuổi ở bang Bihar của Ấn Độ - Ảnh 1.

Chợ chú rể ở quận Madhubani của bang Bihar - Ảnh: AL JAZEERA

Chú rể là công chức trẻ, hồi môn càng nhiều

Trong cái nóng như thiêu đốt của một buổi chiều tháng 7 ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ, một người đàn ông khoảng 30 tuổi lo lắng đứng ở một góc trên cánh đồng. Mặc chiếc áo sơmi hồng và quần tây đen, anh hồi hộp chờ đợi. Đó là một ngày trọng đại của anh.

Anh Nirbhay Chandra Jha, 35 tuổi, đã đi hơn 100km từ quận Begusarai đến quận Madhubani với hy vọng tìm được một cô dâu phù hợp cho mình ở Saurath, một ngôi làng nổi tiếng với "sabha" hay còn gọi là "chợ chú rể hằng năm".

Bên trong 'chợ chú rể' 700 năm tuổi ở bang Bihar của Ấn Độ - Ảnh 2.

Anh Nirbhay Chandra Jha đã đến sự kiện tìm cô dâu - Ảnh: Đài AL JAZEERA

Jha mong đợi gia đình một cô gái đến gặp anh và đàm phán về của hồi môn. Anh đứng trên bục với chiếc thẻ ghi số tiền hồi môn khiêm tốn 630 USD. "Nếu tôi còn trẻ, tôi có thể dễ dàng đòi được 2.500 - 3.700 USD, anh nói với Đài Al Jazeera.

Jha làm quản lý tại một nhà máy với thu nhập ổn định, anh tin mình là một lựa chọn tốt để các cô gái lấy làm chồng.

Của hồi môn, mặc dù bất hợp pháp ở Ấn Độ nhưng rất phổ biến và được xã hội chấp nhận, đặc biệt ở Bihar và bang lân cận Uttar Pradesh.

Chú rể làm nghề càng danh giá thì nhu cầu của hồi môn càng cao. Các kỹ sư, bác sĩ và nhân viên chính phủ được săn đón nhiều nhất.

Các chuyên gia ước tính tổng giá trị các khoản hồi môn trong một năm ở Ấn Độ là 5 tỉ USD - bằng mức chi tiêu hằng năm cho y tế công cộng của Ấn Độ.

Cô dâu cũng không được chọn chồng

Khoảng 20 người đàn ông ngồi dưới tán cây thảo luận về sự xuất hiện của các chú rể tại chợ chú rể Saurath - một trong những địa điểm tác hợp hôn nhân lâu đời nhất thế giới.

Trong lễ hội truyền thống 700 năm tuổi độc đáo này, những chú rể có nguyện vọng lấy vợ sẽ đứng trước đám đông và những người giám hộ nam của các cô gái - thường là cha hoặc anh trai - sẽ tuyển lựa họ.

Nói chung các cô dâu không có tiếng nói trong việc chọn chồng.

"Như thể nhà gái chỉ cần sắm một chú rể mà họ thích cho cô dâu và họ đủ sức trả đủ của hồi môn theo yêu cầu", một người đàn ông sống ở một ngôi làng liền kề nói với Đài Al Jazeera.

Một số người nói rằng ngày xa xưa còn có tình trạng chú rể được "đấu thầu" rộng rãi - với các thẻ ghi yêu cầu của hồi môn khác nhau.

Internet về, "hương đồng gió nội bay đi ít nhiều"

Nhìn bề ngoài, hiện tại những người đàn ông chủ yếu đến từ các ngôi làng chân quê, những người có quan tâm đặc biệt đến việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Nhưng ngôi chợ đặc biệt này giờ đây cũng đã bớt đông đúc hơn trước.

Các bậc cha mẹ hiện nay cũng ít can thiệp đến lựa chọn hôn nhân của con cái hơn trước. Với việc có thể truy cập Internet giá rẻ, việc mai mối sắp xếp ngày càng phát triển trên nền tảng trực tuyến. Ấn Độ có một số trang web mai mối hôn nhân lớn nhất trên thế giới.

Bên trong 'chợ chú rể' 700 năm tuổi ở bang Bihar của Ấn Độ - Ảnh 3.

Một ‘panjikar’ hoặc người ghi chép truyền thống, đọc các bản lý lịch gia đình chú rể - Ảnh: AL JAZEERA

Tuy nhiên, khu chợ chú rể Saurath - dấu vết còn lại của một thời hôn nhân sắp đặt - vẫn không bị tiến bộ công nghệ "xóa sổ" dù số lượng chú rể tới chợ đã ngày một ít đi.

Ông Swaraj Chaudhary, 50 tuổi, nói với Đài Al Jazeera: "Trong những ngày trước đó, xe buýt sẽ chạy khắp bang để đưa mọi người đến chợ. Bây giờ, hầu như không có nổi vài trăm chú rể tập trung cho sự kiện này".