Bên trong đại dịch ma túy ‘xác sống’ càn quét Tây Phi - Ảnh 1.

Một người đàn ông với đôi chân sưng tấy và nhiễm trùng tại một nơi bán ma túy kusk ở Freetown. Ảnh: Telegraph

Bên dưới cây cầu gần khu chợ sầm uất ở Freetown, nhiều người trẻ tụ tập đông đúc. Phủ lên mình bộ quần áo rách rưới, họ đứng với dáng vẻ như zombie (xác sống). Đôi vai rủ xuống, đầu nghiêng sang một bên và đi vòng tròn một cách vô định. Nhiều người chân trần sưng tấy vì nhiễm trùng. Họ đều hút một loại hợp chất pha trộn giữa thuốc giảm đau opioid và cần sa.

Amara Kallon, một thanh niên 21 tuổi bỏ học, nằm trong số những người nghiện ở đây. Cậu tìm đến đây để mua “kush” - một loại ma túy tổng hợp đang lan rộng trong giới trẻ thủ đô Sierra Leone. Loại ma túy này gây cảm giác hưng phấn kéo dài, có thể khiến người dùng xa rời thực tế trong vài giờ.

“Khi tôi hút thuốc, tôi quên đi mọi vấn đề mình đang gặp phải. Nó khiến tôi ngây ngất. Tôi từng hút vài điếu cần sa mỗi ngày nhưng sau khi được bạn bè giới thiệu về Kush, tôi không bao giờ quay lại với cần sa. Tôi đã bán quần áo và sách để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Tôi bắt đầu trộm đồ gia dụng, điện thoại, nồi niêu bát đĩa để mua ma túy”, chàng thanh niên vô gia cư chia sẻ.

Kush lần đầu tiên xuất hiện ở Sierra Leone cách đây khoảng 5 năm. Được sản xuất và phân phối bởi các băng nhóm tội phạm, loại ma túy này thường có giá 5 leones (6 đồng) mỗi điếu. Tuy nhiên, trung bình một ngày, một con nghiện sẽ chi khoảng 8 bảng Anh (260.000 đồng) cho việc hút thuốc.

Thành phần của thuốc thay đổi theo từng nơi. Fentanyl, formalin và tramadol được cho là thành phần chính. Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng loại ma túy tổng hợp này có cả xương người bị nghiền nát, song cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng chứng minh.

Loại ma túy nêu trên đã trở nên phổ biến ở khắp Sierra Leone. Tuy nhiên, việc công bố một con số chính xác về tỷ lệ sử dụng là điều khó khăn.

Bên trong đại dịch ma túy ‘xác sống’ càn quét Tây Phi - Ảnh 2.

Fentanyl, formalin và tramadol được cho là thành phần chính trong loại ma túy tổng hợp mới. Ảnh: Telegraph

Bệnh viện Tâm thần Sierra Leone ở Freetown trong những năm gần đây luôn quá tải vì có quá nhiều người nghiện nhập viện để cai nghiện. Điều đáng quan tâm là số lượng bệnh nhân vẫn tăng lên hàng ngày. Trong đó, bác sĩ đã phải cho nhiều người sử dụng thuốc an thần để kiềm chế xu hướng bạo lực của họ.

“Chúng tôi ghi nhận gần 2.000 trường hợp nghiện kush vào năm 2023 đến bệnh viện. Nhiều người chết trong nhà và trên đường phố”, Tiến sĩ Jusu Mattia, quyền giám đốc y tế tại trung tâm, cho biết. Vào năm 2020, số người dùng loại ma túy này chỉ là 47 người. Chỉ sau hai năm, con số đã tăng lên thành 1.101 người. Phần lớn bệnh nhân là nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 25.

Tiến sĩ Mattia cho biết thêm: “Đại dịch ma túy kush diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng chỉ một số ít người được giới thiệu đến cai nghiện và hầu hết những người được điều trị đều tái phát”.

Để giúp bệnh nhân cai nghiện, bệnh viện Tâm thần Sierra Leone sẽ đưa ra một phác đồ điều trị cách ly kéo dài từ 3 đến 6 tuần, dùng thuốc chống loạn thần. Đây là cơ sở duy nhất cung cấp dịch vụ chăm sóc tích cực cho bệnh nhân kush ở Sierra Leone.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Sierra Leone có dân số là 8,4 triệu người, nhưng chỉ có 5 bác sĩ tâm thần trên cả nước khiến họ không thể xử lý được số lượng người nghiện đang gia tăng mạnh.

Các chuyên gia cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Sierra Leone - hiện ở mức 60%, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới - đang làm vấn đề thêm phức tạp. Những người thất nghiệp như Amara đang tìm đến kush để thoát khỏi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống.

Bên trong đại dịch ma túy ‘xác sống’ càn quét Tây Phi - Ảnh 3.

Một người nghiện đến trung tâm phục hồi chức năng Freetown để cai nghiện. Ảnh: Telegraph

Đối với một số người, nghiện kush có thể gây ra các vấn đề tâm thần nghiêm trọng. Cũng có ghi nhận trường hợp người nghiện gặp các vết nhiễm trùng và sưng tấy ở chân.

Loại ma túy này cũng có thể dẫn tới tử vong. Nhiều người không kiểm soát được tình trạng hưng phấn có thể đập đầu liên tục vào tường hoặc bất cẩn tham gia giao thông. Không có dữ liệu chính thức về số ca tử vong liên quan đến ma túy, nhưng các chuyên gia y tế ước tính mỗi tuần có khoảng chục người sử dụng kush tử vong ở Sierra Leone. Thi thể của họ thường được tìm thấy trên đường phố và khu ổ chuột.

Không chỉ ở Sierra Leone, làn sóng nghiện kush đang dần lan rộng khắp Tây Phi. Nỗi kinh hoàng của Freetown đang tái hiện ở các trung tâm đô thị Liberia và Guinea. Số liệu thống kê cho thấy hơn một triệu người trong khu vực nghiện kusk.

Tiến sĩ Edward Nahim, chuyên gia tư vấn tâm thần học tại Viện Y học Mỹ, giải thích: “Kush là một loại ma túy rất nguy hiểm như heroin hoặc cocaine. Nó gây ảo giác nhanh, rẻ và dễ dàng mua được tại những nơi mà việc kiểm soát việc bán ma túy còn lỏng lẻo như Tây Phi”.

Giống như ở Sierra Leone, tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ gây ra chứng nghiện kush ở Liberia. Một vấn đề khác là cuộc nội chiến đẫm máu ở Liberia trong suốt những năm 1990 đã khiến nhiều người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Nguồn lực y tế hạn chế của Liberia. đã không thể đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề tâm lý to lớn này. Nhiều người sau đó đã chuyển sang dùng kush.

Quận Kambia của Sierra Leone, chạy dọc biên giới với Guinea, đã nổi lên như một điểm nóng đáng chú ý về buôn bán ma túy và đang trở thành tâm điểm chú ý của cảnh sát địa phương. Trên khắp Sierra Leone, hơn 100 người sử dụng và buôn bán ma túy đã bị kết án, hàng chục băng đảng đã bị cảnh sát triệt phá.

Nhưng theo ông Mattia, vấn đề thanh thiếu niên nghiện ngập không phải là vấn đề hình sự mà là vấn đề liên quan đến sức khỏe và xã hội cần được giải quyết một cách toàn diện.

Vào tháng 11/2023, các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhóm xã hội dân sự và các tổ chức tập trung vào giới trẻ đã gặp nhau tại khách sạn Freetown để tìm ra một giải pháp khả thi và có trách nhiệm hơn cho cuộc khủng hoảng ma túy ở Sierra Leone.

Trong cuộc họp do Liên hợp quốc tài trợ, Bộ trưởng Bộ Phúc lợi Xã hội Melrose Karminty tiết lộ chính phủ đang tìm cách cải tạo người nghiện thay vì trừng phạt họ. “Chúng tôi muốn mang lại cuộc sống có ý nghĩa cho các bệnh nhân sau khi họ được điều trị và đưa ra các biện pháp khắc phục để họ tái hòa nhập với cộng đồng”, nữ quan chức nhấn mạnh. Nhưng liệu những biện pháp như vậy có thành hiện thực và mang lại sự thay đổi có ý nghĩa hay không vẫn còn phải xem xét.