Trung Quốc - quốc gia đông dân bậc nhất hành tinh, qua bề dày lịch sử hàng ngàn năm đã cho xây dựng những công trình khiến cả thế giới phải trầm trồ. Họ có Vạn Lý Trường Thành - 1 trong 7 kỳ quan thế giới. Họ có Tử Cấm Thành - tòa thành khổng lồ, nguy nga với rất nhiều ý nghĩa văn hóa.

Và trong lịch sử hiện đại, họ còn có đập Tam Hiệp - con đập thủy điện lớn nhất thế giới, được xây dựng trên sông Dương Tử khu vực chạy qua Hồ Bắc, Trung Quốc.

Những ngày vừa qua, Trung Quốc đã phải phát cảnh báo khẩn cấp sau khi đập Tam Hiệp có nguy cơ vỡ vì những trận mưa kéo dài khiến mực nước dâng lên. Nếu điều đó thực sự xảy ra, đây sẽ là một đại thảm họa đối với người dân của Trung Hoa đại lục, khi số người bị ảnh hưởng có thể lên tới hàng trăm triệu, cùng thiệt hại kinh tế ước tính ở mức khó lòng đong đếm.

Dĩ nhiên chẳng ai mong muốn thảm họa ấy xảy ra, có điều hãy tạm bỏ qua vấn đề này đã. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ đến với những gì có bên trong con đập khổng lồ này, cùng lịch sử đầy tính tranh cãi của nó.

Khủng khiếp về quy mô

Đập Tam Hiệp bắt đầu được khởi công chính thức vào năm 1994, và được xem là dự án kỹ thuật lớn nhất Trung Quốc thời bấy giờ. Và ở thời điểm khánh thành vào năm 2006, nó cũng là con đập thủy điện lớn nhất thế giới, đến giờ vẫn chưa nơi nào vượt qua.

Con đập có cấu trúc làm từ bê tông, dài 2335m với chiều cao tối đa 185m. Nó chứa khoảng 28 triệu mét khối bê tông, 463.000 tấn thép theo bản thiết kế chuẩn. Nhấn chìm khu vực 3 hẻm núi Cù Đường, Vu và Tây Lăng, đập Tam Hiệp tạo ra một vùng nước mênh mông, cho phép các phương tiện thủy giới di chuyển một khoảng 2250km từ Thượng Hải đến tận Trùng Khánh.

Các hoạt động thủy điện thực chất đã bắt đầu một cách hạn chế từ năm 2003, sau đó tăng dần thêm turbine thủy điện theo từng năm, kéo dài đến năm 2012 với tổng cộng 32 turbin vận hành. Nhờ số turbine khổng lồ này, đập Tam Hiệp có thể tạo và tích trữ 22.500 megawatt điện - lớn bậc nhất thế giới.

Ngoài ra, mục đích xây dựng con đập cũng là để bảo vệ hàng triệu người khỏi lũ lụt thường niên ở vùng đồng bằng sông Dương Tử. Dẫu vậy, hiệu quả của vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi.

 - Ảnh 3.

Và một lịch sử đầy tranh cãi

Việc xây dựng một con đập tại sông Dương Tử thực chất đã được đưa ra bàn luận từ thập niên 1920. Thậm chí, người Trung Quốc còn dự tính khởi công dự án từ thập niên 1955, với 3 mục đích chính: kiểm soát lũ lụt, tạo thuận lợi cho thương mại, và cung cấp năng lượng cho miền trung của Trung Hoa.

Tuy nhiên, việc xây dựng con đập đã kéo theo vô số những hoài nghi và chỉ trích. Các vấn đề bao gồm mối nguy hiểm cực đại nếu con đập sụp đổ (thứ mà hiện tại người Trung Quốc đang lo sợ). Ngoài ra còn là việc phải di dời 1,3 triệu dân tại hơn 1.500 thành phố, thị trấn, làng mạc dọc theo con sông, và cuối cùng là vấn đề phá hoại cảnh sắc thiên nhiên trong khu vực.

 - Ảnh 4.

Hơn thế nữa, một số ý kiến còn tỏ ra lo sợ, rằng chất thải từ khu dân cư và các khu công nghiệp sẽ làm ô nhiễm hồ chứa, và đặc biệt là việc trữ một lượng nước quá lớn có thể gây thảm họa như động đất hoặc sạt lở.

Chính bởi những hoài nghi này, việc xây dựng đập Tam Hiệp đã bị trì hoãn suốt gần 40 năm. Đến năm 1992, cựu thủ tướng Li Peng - người có nền tảng là một kỹ sư đã thuyết phục thành công Quốc Hội cho dự án này. Tuy nhiên Ngân hàng thế giới (World Bank) lại từ chối trợ vốn cho dự án, vì lo ngại cho môi trường và một số vấn đề khác.

Dẫu vậy, dự án đập Tam Hiệp vẫn được tiến hành. Năm 1993, dự án bắt đầu bằng việc xác định những con đường đi điện trong khu vực. Năm 1997, họ chặn sông, nắn lại dòng chảy, hướng nó đến sát khu vực xây dựng ban đầu. Năm 2003, hồ chứa bắt đầu có nước, các con tàu có tải trọng tối đa 10.000 tấn được phép qua đập, và đưa dần các máy phát điện vào hoạt động.

Toàn bộ thành đập được hoàn thiện vào năm 2006. Số máy phát điện còn lại dần được đưa vào hoạt động, tới giữa năm 2012. Ở thời điểm này, ho cho phép những con tàu tải trọng lên tới 3000 tấn vượt qua, biến con đập trở thành tuyến đường thủy quan trọng của khu vực.

Nguồn: Britania