Vào mùa đông, đặc biệt là những ngày rét đậm, bên cạnh các thiết bị sưởi ấm trong gia đình, nhiều người dùng còn trang bị và sử dụng thêm những chiếc túi sưởi. Những chiếc túi sưởi có hình thù sặc sỡ, bắt mắt, nhỏ gọn. Người dùng có thể mang theo mọi lúc mọi nơi, chủ yếu phục vụ cho việc sưởi ấm tay hay chườm ấm bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.
Về cơ bản, đa phần mọi người dùng đều biết bên trong túi sưởi là nước nóng, giúp đem lại hơi ấm. Song không phải ai cũng biết thứ nước bên trong túi sưởi thật sự là nước gì, trông như thế nào.
Để làm rõ điều này, nhiều người dùng đã thực hiện các thử nghiệm cắt chiếc túi sưởi ra, từ đó thấy rõ bên trong. Kết quả khiến nhiều người xem phải giật mình.
Bên trong túi sưởi có gì?
Đầu tiên là video của một chàng trai đến từ Ấn Độ, được thực hiện vào 3 năm trước. Chàng trai đã sử dụng một con dao và cắt một phần của chiếc túi sưởi ra. Bên trong túi đúng là có nước, tuy nhiên nó không được sạch sẽ như nhiều người tưởng. Mặt trong của chiếc túi sưởi là các cặn bẩn, mảng bám màu nâu.
Chàng trai đến từ Ấn Độ thử nghiệm cắt chiếc túi sưởi ra để thấy nước bên trong (Video Youtube Trick Boy)
Một Youtuber khác, sở hữu hơn 5 triệu người theo dõi, cũng thực hiện thử nghiệm tương tự, và video của anh thu về hơn 2 triệu lượt xem. Ở chiếc túi sưởi của Youtuber này, nước và toàn bộ mặt trong của chiếc túi sưởi lại không hề bẩn như những gì xuất hiện trong video của chàng trai Ấn Độ.
Youtuber này còn tự tin đổ toàn bộ nước trong túi sưởi ra một chiếc cốc. Kết quả cho thấy nước còn nóng và khá trong. Bên cạnh đó, anh còn lột bỏ toàn bộ phần vỏ của túi sưởi ra để chứng minh phần ruột của túi cũng không hề bị bẩn.
Một người dùng khác thử nghiệm cắt túi sưởi, đổ nước ra thì nước khá trong, ruột túi sạch (Video Youtube YASH KE EXPERIMENTS)
Qua 2 thử nghiệm của 2 người dùng trên có thể thấy, không phải chiếc túi sưởi nào bên trong cũng như nhau. Vậy độ sạch/bẩn hay màu sắc của nước bên trong túisưởi có ảnh hưởng gì tới hiệu quả hoạt động của nó hay không?
Nước bên trong túi sưởi có ảnh hưởng gì không?
Câu trả lời là không. Phần nước bên trong ruột các loại túi sưởi, túi chườm là một dạng dung dịch khác hẳn so với nước lọc thông thường. Chúng là hỗn hợp bao gồm nước, muối và một số hoá chất khác có khả năng tích nhiệt. Cũng bởi vậy, sau khi cắm điện để túi sưởi nóng lên, túi mới có thể giữ được độ ấm, từ đó phục vụ cho nhu cầu sưởi, chườm ấm của con người.
Người dùng không cần quá lo ngại về việc nước bên trong túi sưởi có màu sắc như thế nào. Điều quan trọng người dùng nên ghi nhớ đó là trong suốt quá trình sử dụng túi sưởi, túi chườm, tuyệt đối không được thay thế nước bên trong. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra phần vỏ túi xem có bị rách hay hư hỏng gì hay không.
Phần vỏ của túi sưởi thường được tạo thành từ 1 lớp vải và 1 lớp nhựa PVC. Tác dụng của lớp vỏ không chỉ để ngoại hình của túi sưởi được bắt mắt hơn mà còn giúp ngăn chặn hiện tượng rò rỉ dung dịch trong túi ra ngoài. Không nên đặt các vật sắc nhọn gần, cạnh hoặc trên túi. Khi vỏ túi sưởi xuất hiện vết bẩn, không nên giặt mà vệ sinh nhẹ nhàng bằng cách dùng dung dịch an toàn, thấm với khăn mềm rồi lau.
Hiện nay, đa phần các loại túi sưởi, túi chườm được ưa chuộng đều là túi sưởi cắm điện. Dưới đây là một số lưu ý khác cho người dùng để việc dùng túi sưởi vào mùa đông được hiệu quả an toàn:
- Sạc túi sưởi đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không sạc quá lâu mà chỉ nên sạc theo đèn báo trên túi. Khi đèn báo tắt có nghĩa là túi đã sạc xong.
- Không nên sử dụng túi sưởi khi đang cắm điện. Thay vào đó, sau khi rút sạc khoảng 7-10 phút mới sử dụng. Bởi nếu sử dụng ngay, người dùng có thể bị bỏng.
- Khi túi sưởi bị rò rỉ, tuyệt đối không nên sử dụng tiếp bởi nó không chỉ gây rò rỉ nước bên trong mà còn tiềm ẩn khả năng rò rỉ điện.
Cuối cùng, dù là loại túi sưởi, túi chườm đi chăng nữa, người dùng cũng cần chọn mua những sản phẩm từ thương hiệu uy tín hoặc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trước khi mua và sử dụng, cần kiểm tra thật kỹ xem sản phẩm có bị lỗi gì không, đặc biệt là các lỗi liên quan đến bục, rách túi.