Cảm thấy chán nản = cơ thể và trí óc đang muốn trì hoãn
Trì hoãn, hay còn có những cách gọi khác với nghĩa tương tự là tính chần chừ, thói lề mề, sự lần lữa, thói rề rà, ù lì... là thuật ngữ trong tâm lý học chỉ về những thói quen của con người có xu hướng để chậm lại, tự hoãn lại, chưa muốn bắt tay vào làm ngay một công việc phải làm, hoặc có tâm lý chờ và để một thời gian sau đó mới thực hiện.
Đó còn là việc lảng tránh những thứ lẽ ra cần phải được tập trung giải quyết ngay dẫn đến việc đó luôn bị hoãn lại, ngưng trệ, chậm trễ tiến độ đề ra thậm chí là lãng quên.
Một số nhà tâm lý cho rằng, trì hoãn là cơ chế để đối phó với sự lo lắng liên quan đến việc bắt đầu hay sự khởi đầu của một công việc. Sự lo âu này khiến con người trì hoãn nhất là đối với những người làm việc theo kiểu bốc đồng, làm theo sở thích, ngẫu hứng.
Tính chần chừ là đặc trưng của từ 20% đến 25% của người lớn, đặc biệt là phụ nữ và khoảng 15 - 20% dân số thế giới nói chung đều hay trì hoãn, trong giới học sinh, sinh viên, con số lên tới 90%. Một ước tính khác cho rằng 80-95% sinh viên đại học có các dấu hiệu của sự trì hoãn.
Khi chốn công sở có quá nhiều thứ gây phân tâm
Trên thực tế, hầu hết dân công sở đều đang lãng phí thời gian làm việc trên văn phòng. Tuy nhiên, không thể đổ hết lỗi lên đầu người lao động.
Về cơ bản chốn công sở là nơi đầy rẫy những yếu tố gây xao lãng và, những bộ óc thiếu tập trung sẽ rất khó để hoàn thành công việc nếu cứ bị ngoại cảnh "gọi mời".
Khảo sát của FlexJobs trên 260.000 người cho thấy: 76% dân công sở cảm thấy văn phòng là nơi khó tập trung và họ thích ra ngoài làm việc hơn.
Trên thực tế, 80% những người tham gia khảo sát nghĩ rằng họ sẽ khỏe mạnh hơn nếu không phải làm việc trong văn phòng. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra các loại đồ ăn có lợi cho sức khỏe cũng làm tăng năng lực và hiệu quả của bộ não.
Vì vậy sẽ thật tuyệt vời nếu các công ty mang lại cho nhân viên của mình những bữa ăn nhẹ lành mạnh, vận động nhẹ trong ngày và đương nhiên, phải có những quy định mềm dẻo để hạn chế nhân sự sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc.
Chủ quan chính là yếu tố gây ra trì hoãn và chán nản
Đừng chủ quan, những công việc quá đơn giản và dễ dàng lại rất nguy hiểm.
Vì sao? Khi một việc bị đánh giá thấp bởi độ khó "không cao", bạn sẽ dễ dàng mang tâm lý "dễ thì làm lúc nào chẳng được". Cho đến khi chúng bị dồn lại, giải quyết một đống chất ngất những việc đơn giản còn khó khăn hơn nhiều một yêu cầu phức tạp từ cấp trên.
Cách giải quyết là gì? Gặp việc dễ, đơn giản thì phải xử lý ngay trước khi tâm lý chủ quan đánh bại bạn. Thường thì, "điểm chết" của những công việc quá dễ dàng chính là chúng ít gây hứng thú, không có cảm giác thử thách và chinh phục.
Ví dụ: bạn ghét phải nhập liệu, dù đây là việc đơn giản, quan trọng là chính xác và tỉ mỉ. Hãy nghĩ đến vai trò của dữ liệu, chúng ảnh hưởng như thế nào đến những việc liên quan sau này? Sự vận hành của cả hệ thống phụ thuộc vào những công việc tưởng chừng "vớ vẩn" này, nghĩ đến đây thì bạn có xắn tay lên làm ngay không? Làm chứ! Phạt lương hay thậm chí là đuổi việc là điều chẳng ai muốn cả.
Kết
Sự trì hoãn, chán nản trong công việc không hoàn toàn xấu, mỗi khi bạn nghiêm túc vượt qua được những thứ cám dỗ tầm thường, cảm giác chiến thắng sẽ đến.
Đây cũng là một động lực thúc đẩy mỗi con người vì xu hướng chung của xã hội là sự đào thải: không muốn bị loại, muốn tiếp tục tồn tại và phát triển thì cần phải nỗ lực. Cơ hội của mỗi người có thể đến sớm hay muộn, nhưng có nắm lấy hay không là do chính mình.
Theo Quartz