Thờ ơ
 
Vừa nhìn thấy cậu bạn thân tới chơi, Tùng hớn hở chạy ra đón, vui hơn nhận được mấy điểm 10. Xung quanh căn phòng của Tùng là thế giới riêng của hai cậu trò nhỏ lớp 4 mà không có thêm ai. Những lúc ấy, cô em gái vốn quấn quýt hằng ngày của Tùng cũng bị cậu bỏ qua. Lý do là em gái 5 tuổi của Tùng không biết cách chơi những đồ chơi mà Tùng cho rằng chỉ dành cho con trai. Sinh nhật, ngày quan trọng mà Tùng mong và đếm từng ngày cuối cùng cũng đến. Nhưng món quà lớn nhất mà Tùng chờ đón lại là cậu bạn thân. Vì đó là người có thể hiểu và chơi được cùng cậu. Những lúc như thế, em gái của Tùng chỉ ước: “Con ước gì có dì Thu ở đây”, bởi dì Thu là người có thể dạy cô bé vẽ hoa, vẽ các con vật mà em thích.
 
Khác tính cách nhưng Tùng và em gái chung nhau ở một điểm. Đó là khi có khách của bố mẹ tới chơi, sau câu: Chào bác, chào chú, chào cô thì cả Tùng và em gái lại chú tâm vào việc đang làm như chơi đồ chơi, xem hoạt hình trên tivi... Có khi, mẹ phải nhắc nhở: “Hai con chào chú chưa?”, lúc ấy, Tùng và cô em gái mới nhớ ra để chào. Có lần, chuông cửa reo, mẹ của Tùng đoán: “Chắc vợ chồng chú Hùng đến đấy, Tùng ra mở cửa giúp mẹ”. Khác hẳn với lần “khách” của mình đến, Tùng thản nhiên sai em gái: “My ơi! Ra mở cửa hộ anh”. Cô bé My cũng tỏ ra bận bịu: “Em đang vẽ con gà”. Tay còn dầu mỡ vì đang chuẩn bị bữa trưa, mẹ của Tùng vội vàng rửa tay để ra mở cửa đón khách. Cặm cụi sắp xếp sân bóng nhựa với đội hình cầu thủ bằng nhựa có tên tuổi nổi bật ở giữa nhà, thấy khách, Tùng chỉ ngước lên nhìn khách chào, rồi lại chú tâm vào “việc”...
 

Tránh cuộc sống khu biệt

Câu chuyện của Tùng và My là câu chuyện chung của nhiều gia đình thành phố hiện nay. Điều đó phản ánh một thực tế, ngày càng nhiều trẻ rơi vào cuộc sống khu biệt. Sau những giờ học, ngoài bạn bè trên lớp, ông bà, cha mẹ, trẻ ít có thời gian gặp gỡ, giao tiếp cùng họ hàng, những trẻ cùng trang lứa, hàng xóm xung quanh... do thói quen sống, sinh hoạt khép kín ở thành phố và mật độ học ngày càng dày đặc. Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân khiến trẻ ít quan tâm tới xung quanh hoặc “coi thường” khả năng của trẻ khác. Trẻ mặc nhiên nghĩ việc khách tới chơi nhà không liên quan đến mình vì đó không phải người mà trẻ mong chờ hoặc cần đến. Như vậy, trẻ sẽ thiết lập hay định hình một mối quan hệ thân thiết chỉ khi người ấy thỏa mãn được đòi hỏi, mong muốn phút chốc hoặc trong một thời gian ngắn của mình. Mối quan hệ của trẻ với mọi người xung quanh do vậy mà trở nên lỏng lẻo.

Không cha mẹ nào muốn con mình trở thành những đứa trẻ thờ ơ, kiêu ngạo. Vì thế, phương pháp tốt nhất mà các bậc phụ huynh có thể dạy con là trở thành những tấm gương để con noi theo và hãy là giáo viên hướng dẫn con làm đúng. Nên giữ thái độ bình tĩnh, không la mắng khi con chưa tiếp thu, nên hướng dẫn con trẻ “kín đáo” để trẻ không xấu hổ và có thể thay đổi tốt nhất.

Phụ huynh cần tạo cơ hội để con đến chơi nhiều hơn nhà bạn bè, hàng xóm. Từ đó, có thể tìm ra những trò chơi giúp con hòa đồng, thích thú hơn khi tiếp xúc, trò chuyện với mọi người. Dành lời khen tặng con khi con có biểu hiện tốt. Như thế, con sẽ dần có thói quen, kỹ năng ứng xử tốt để trở thành một “chủ nhà” thực thụ.