Bộ Y tế cũng khẳng định bệnh dại có nguy cơ bùng phát mạnh trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại. Tất cả các trường hợp này đều không đi tiêm phòng hoặc tiêm phòng muộn sau khi bị chó cắn.
Số liệu mới nhất từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca tử vong do bệnh dại ở nước ta đến thời điểm này có giảm 18 trường hợp so với cùng kỳ 2013, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 86%), miền Trung (14%), khu vực miền Nam và Tây Nguyên chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Các trường hợp này đều thuộc các tỉnh phía Bắc: Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái. Trước đó, tại huyện Chương Mỹ và Sóc Sơn (Hà Nội) đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ngoài ra, nhiều ca tử vong do bệnh dại cũng đã xuất hiện ở Thanh Hóa, Tuyên Quang, riêng tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận 1.721 người bị phơi nhiễm với bệnh dại phải điều trị dự phòng (tăng 199 ca so với cùng kỳ năm 2013).
Còn ở tỉnh Thanh Hóa, tình hình bệnh dại ngày càng diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các huyện Như Xuân, Quan Hóa, Thường Xuân và TP Thanh Hóa. Đã có 35 con chó mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, 2 người tử vong do chó dại cắn, toàn tỉnh có 551 người bị chó cắn và phải đi tiêm phòng.
Ảnh minh họa
Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành bệnh dại cao với khoảng 100 người chết vì bệnh này mỗi năm, đồng thời, bệnh dại cũng là bệnh có số người tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Hơn 90% số người chết vì bệnh dại do bị chó nghi dại cắn không đi tiêm phòng.
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh dại xuất hiện là do virus dại được tiết ra từ tuyến nước bọt của chó lây sang cho người qua tiếp xúc. Lúc này, virus dại chui qua da, niêm mạc rồi đi vào máu, đến các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là tổ chức thần kinh ngoại biên, sau đó đi đến não (thần kinh T.Ư). Tại đây, virus dại theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt, tản ra khắp hệ thống thần kinh và gây tổn thương tổ chức não, gây viêm não cấp, thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng là rối loạn tâm thần hoặc bị liệt, tử vong.
Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.
Đối với con người, chỉ tiêm phòng bệnh dại khi bị động vật nghi dại cắn. Tốt nhất là sau khi bị động vật cắn, phải theo dõi và chăm sóc con vật đó cẩn thận. Nếu sau 7 ngày, động vật đó không chết thì không phải tiêm. Trong trường hợp không theo dõi được tình trạng của động vật đó hoặc bị cắn vào vùng đầu, mặt, cổ thì phải đi tiêm phòng ngay.
Khi bị chó nghi dại cắn, cần nhanh chóng rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng, sau đó rửa lại thật sạch vết thương bằng nước sạch, sát khuẩn bằng cồn, cồn iốt hoặc petadine để phòng nhiễm khuẩn vết thương, khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khâu vết thương (nếu bị rách nhiều) và tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine dại và huyết thanh chống uốn ván.