Hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp. Trong đó, ngày 12/8, tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai có 11 người vừa bị chó dại cắn khi đi tập thể dục.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Y tế, 7 tháng đầu năm 2024, huyện Sóc Sơn đã ghi nhận 6 ổ dịch dại trên động vật (chó) khiến 27 người phải điều trị dự phòng do bị cắn hoặc tiếp xúc với chó dại. Trong đó, tuần cuối tháng 7, tại Sóc Sơn phát sinh 3 ổ dịch với 10 người bị chó dại cắn.
Trong khi đó, tại nội thành Hà Nội, dù chưa công bố các ổ dịch nhưng tình trạng chó thả rông , không rọ mõm diễn ra phổ biến, làm gia tăng nguy cơ phát sinh bệnh dại.
Nhiều chủ chó mặc kệ cho thú cưng của mình phóng uế ra thảm cỏ trong công viên.
Một người đàn ông trung niên huấn luyện cho chó becgie tại công viên. Becgie là dòng chó hung dữ, hiếu chiến, nhiều người đã bị chúng cắn gây thương tích, thậm chí tử vong. Việc chủ nhận không tuân thủ quy định, dắt chó ra đường không đeo rọ mõm và thả rông tiềm ẩn nguy hiểm cao cho người xung quanh.
Tại công viên hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hàng chục con chó không đeo rọ mõm, thả rông cũng thoải mái đi lại, "giao lưu" với nhau.
Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình), cá nhân có hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, theo khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại khoản 3, Điều 2, Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.
Trường hợp chó cắn người gây thương tích thì chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự. Đối với trường hợp chó cắn chết người, thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.