Sáng 9/6, BV TW Huế cơ sở 2 phối hợp với Hội Nội tiết - Đái tháo đường Thừa Thiên Huế tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường và tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường. Đây là chương trình sinh hoạt định kỳ của bệnh nhân đái tháo đường, được khới động lại sau thời gian bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chương trình có trên 300 bệnh nhân và gia đình bệnh nhân tham gia, các bệnh nhân đái tháo đường được xét nghiệm đường máu miễn phí, đo huyết áp, khám mắt để phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường. Các bệnh nhân có biến chứng đục thể thủy tinh nếu gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí phẫu thuật, những người dân có yếu tố nguy cơ được xét nghiệm tầm soát đái tháo đường.
ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương - Phó Giám đốc BV TW Huế cho biết, chương trình sinh hoạt đã giúp nâng cao nhận thức cho bệnh nhân đái tháo đường tại BV TW Huế cơ sở 2 và gia đình trong phòng ngừa, quản lý, điều trị tốt nhằm hạn chế các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu những gánh nặng cho gia đình, xã hội do bệnh lý này gây ra.
Theo BV TW Huế, bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng một cách nhanh chóng trong tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc, số bệnh nhân tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Dự đoán đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên chiếm 7.7% tổng dân số.
Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.
Theo các bác sĩ, đái tháo đường nếu không được điều trị đúng cách, đường máu kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các biến chứng cấp và mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dự phòng và ngăn chặn được.
Để phòng chống bệnh đái tháo đường, cần tầm soát trên những đối tượng có yếu tố nguy cơ và chủ động phòng ngừa các bệnh thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, khoa học và duy trì môi trường sống lành mạnh.