Vào ngày 8/4/2006, Binna Kim tỉnh dậy khi đang nằm trên sàn phòng ngủ của mình tại căn hộ của gia đình cô ở California, Mỹ. Dưới sàn nhà là một vũng máu. Thiếu nữ 16 tuổi lúc đó nghĩ rằng có thể là máu từ kinh nguyệt của cô. Chính vì vậy Binna quyết định đi vào nhà tắm để thay quần áo nhưng khi cố gắng đứng dậy, thiếu nữ ấy không thể đứng vững nổi và ngã lăn ra sàn nhà.

Đầu cô đau nhói. Cô gọi cha mẹ để cầu cứu nhưng không một ai xuất hiện. Cô gọi em trai mình nhưng cũng không thấy cậu bé trả lời. Cuối cùng, Binna lết từng chút một đến phòng ngủ của cha mẹ. Cô gái trẻ nhìn thấy chân của cha mình ở cạnh giường, cô tìm cách lay đôi chân ấy để đánh thức cha mình nhưng không được.

Cô bò đến nơi có chiếc radio và bật nó ở mức âm lượng tối đa mong ai đó có thể phản hồi cô. Về sau cô gái trẻ bất tỉnh và khi tỉnh dậy, Binna nhìn thấy mình đang trong bệnh viện.

"Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, tôi không nhớ những gì trước đó", Binna cho hay. Các nhân viên y tế chỉ nói với cô rằng Binna đã bị bắn tại nhà riêng ở Echo Park, Los Angeles.

"Ý của họ đó là một vụ giết người rồi tự sát. Điều này có nghĩa là một ai đó trong gia đình tôi đã làm điều này với tôi", Binna nói.

Vào tuần đó, có 3 vụ việc tương tự nhau xảy ra trong cộng đồng người Mỹ gốc Hàn ở Nam California. Vào ngày 2/4/2006 một chủ doanh nghiệp 54 tuổi đã nhốt mình và hai người con của ông trong chiếc xe SUV cá nhân rồi thiêu đốt tất cả. Được biết, công việc kinh doanh của người đàn ông này bị thất bại và vợ ông đã đệ đơn ly hôn.

"Bệnh dịch" tự tử của người Hàn ở Mỹ: Khi áp lực đè nặng bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại xa xưa và nỗi lòng không phải ai cũng thấu - Ảnh 1.

Nhiều vụ người nhập cư Hàn tự tử ở Mỹ đã diễn ra.

Vào ngày 8/4 cùng năm, một người đàn ông 40 tuổi đã bắn chết cô con gái 5 tuổi rồi tự sát tại nhà riêng ở Fontana sau nhiều tháng thất nghiệp và nợ 200.000 USD (hơn 4,5 tỷ đồng tính ở thời điểm đó) do đánh bạc. Đó cũng là ngày cô Binna bị bắn. Cha cô, ông Sang In, một nhân viên bất động sản 55 tuổi, cũng bắn vợ mình, con trai 8 tuổi rồi tự sát do vướng vào một khoản nợ kếch sù. Với một viên đạn găm sau tai suốt 30 tiếng đồng hồ, Binna là người duy nhất sống sót trong gia đình.

Theo Jae Kim, một nhân viên xã hội làm việc tại Trung tâm Sức khỏe tâm thần Los Angeles, việc người Hàn Quốc tự tử thậm chí là giết người rồi tự sát không phải là vấn đề dị thường.

"Người Hàn Quốc chết vì tự tử ở Mỹ với tỷ lệ cao đáng kinh ngạc", Jae - người có 10 năm kinh nghiệm tổ chức các chương trình ngăn ngừa tự tử cho cộng đồng người Mỹ gốc Hàn ở California - cho hay.

Một bài viết năm 2018 được xuất bản trên Tạp chí 10 (có trụ sở tại Seoul) cho biết: Sự căng thẳng, những mâu thuẫn cộng thêm việc đối mặt với không ít áp lực để điều chỉnh cuộc sống đã khiến người Hàn sang Mỹ định cư có tỷ lệ tự tử chiếm khoảng 90% các vụ tự tử của người gốc Hàn tại đây. Với những người gốc Hàn được sinh ra tại Mỹ tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều do họ đã quen thuộc với văn hóa địa phương.

Khó có thể đưa ra một con số cụ thể về tình trạng người Hàn nhập cư ở Mỹ đang có xu hướng tự tử nhưng theo các nhà quan sát con số này rất lớn và gia tăng theo thời gian. Các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này đó là: áp lực cực độ để thành công, sự kỳ thị văn hóa, tỷ lệ nghiện rượu cao, xã hội cô lập, hệ thống phúc lợi thiếu thốn cùng việc điều trị sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức.

"Bệnh dịch" tự tử của người Hàn ở Mỹ: Khi áp lực đè nặng bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại xa xưa và nỗi lòng không phải ai cũng thấu - Ảnh 2.

Người Hàn Quốc có một câu chuyện thần thoại được lưu truyền cho đến tận bây giờ và ảnh hưởng đến tính cách, con người ở đây. Đó là câu chuyện về một con hổ và một con gấu đã cầu xin một vị thần giúp chúng trở thành một con người. Vị thần đã ban cho hai con vật 20 nhánh tỏi và bảo rằng: "Các ngươi hãy ăn những thứ này và tránh ánh sáng ban ngày trong 100 ngày tới. Nếu các ngươi làm được như vậy thì các ngươi sẽ thành người".

Hổ đã bỏ cuộc vì không thể chịu đựng được còn Gấu vẫn kiên trì bền bỉ và đúng hạn 100 ngày, Gấu biến thành một cô gái xinh đẹp. Vị thần năm xưa đã hóa thân thành người và kết hôn với cô gái. Kết quả, nàng thụ thai rồi sinh hạ một người con trai, đặt tên là Dangun. Đây chính là vị vua đầu tiên của đất nước Hàn Quốc và chính ông là người đã lập ra triều đại Joseon.

Theo nhân viên xã hội Jae, kể từ đây, sự tự tôn và lòng tự trọng cao đã ăn sâu vào nhiều người Hàn Quốc và cả người Mỹ gốc Hàn. Họ thà chấp nhận đau khổ trong im lặng còn hơn cầu xin sự giúp đỡ của người khác.

"Không một người Hàn Quốc nào khi trưởng thành muốn là một con hổ, nó đã được trao cơ hội để có cuộc sống tốt hơn nhưng nó đã phung phí vì bản tính yếu đuối và thiếu kiên trì. Chúng tôi được nuôi dưỡng để trở thành con gấu, loài vật sống thầm lặng trong bóng tối, tin rằng khi nếm mật nằm gai sẽ có ngày hái quả ngọt", Charles Armstrong, giảng viên người Hàn ở Đại học Colombia, nói trong cuộc phỏng vấn vào tháng 9/2018.

"Bệnh dịch" tự tử của người Hàn ở Mỹ: Khi áp lực đè nặng bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại xa xưa và nỗi lòng không phải ai cũng thấu - Ảnh 3.

Câu chuyện thần thoại về thời kỳ lập quốc đã in sâu vào tâm trí của người Hàn.

Theo Charles Armstrong, những bà mẹ trẻ Hàn Quốc bị trầm cảm sau khi sinh thường không được khuyến khích đề cập công khai về tình trạng mà họ đang gặp phải.

"Trong những năm học cấp 3 ở Hàn Quốc, một số bạn cùng lớp của tôi bắt đầu rơi vào tình trạng bị nôn mửa vì áp lực học tập, không một phụ huynh nào muốn con cái mình nghỉ ngơi một chút. Tôi tin chắc rằng ai cũng nghĩ rằng tất cả mọi người đều đang cố gắng, bản thân không phải là người duy nhất nên hãy tiếp tục nỗ lực cố gắng và ngừng kêu than", Charles Armstrong nói thêm.

Theo Charles Armstrong, ngay cả khi thoát khỏi xã hội khắc nghiệt, người Hàn Quốc ở Mỹ vẫn có nguy cơ tự tử cao gấp 3 lần so với những người Mỹ khác và con số này đang tăng lên. Giống như nhiều người nhập cư khác, người Hàn Quốc mang theo hy vọng rằng chỉ cần họ cố gắng, chấp nhận hy sinh mọi thứ, họ sẽ có kết quả tốt hơn trong tương lai: một nền giáo dục tiên tiến, có tài chính và một xã hội văn minh.

"Tôi nghĩ rằng những áp lực xã hội bắt nguồn từ chính bên trong các gia đình. Chính sự kỳ vọng của mỗi gia đình đã ảnh hưởng đến cộng đồng và dù họ không ở Hàn Quốc thì sự kỳ vọng đó vẫn lan đến Mỹ", Charles Armstrong nói.

Charles Armstrong tin rằng những áp lực xã hội mà người Hàn Quốc tự đặt ra cho bản thân trở nên khuếch đại hơn khi họ thích nghi với môi trường văn hóa mới ở Mỹ. Đặc biệt là việc bị cô lập đã ảnh hưởng đến những người Hàn nhập cư cao tuổi. Ông Charles Armstrong cho hay, có một số lượng khá lớn người Hàn nhập cư vào Mỹ khi họ đã lớn tuổi. Tại đây, họ thường bị con cái bỏ rơi, những người không muốn chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lớn tuổi, khác với truyền thống của người Hàn.

"Bệnh dịch" tự tử của người Hàn ở Mỹ: Khi áp lực đè nặng bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại xa xưa và nỗi lòng không phải ai cũng thấu - Ảnh 5.

Nhiều người Hàn cao tuổi theo con cái đến Mỹ có xu hướng tự tử.

Những góa phụ Hàn Quốc, những người sống lâu hơn chồng trung bình khoảng 6 năm, có nguy cơ tự tử đặc biệt cao.  "Cung cấp một cộng đồng và mạng lưới cho người cao tuổi là một thách thức khó khăn", Armstrong nói.

Người đàn ông này nhớ lại trường hợp về mẹ của một người quen đã cố gắng tự tử như thế nào sau khi cùng con trai và gia đình của người này sang Mỹ định cư. Người phụ nữ lớn tuổi tin rằng mình là gánh nặng cho gia đình và là nguồn cơn gây mâu thuẫn giữa con trai với con dâu. May mắn thay, gia đình đã kịp thời ngăn cản hành động của người phụ nữ.

Sang In Kim, cha của Binna Kim, di cư đến Los Angeles vào năm 1990. Trong vài năm, người đàn ông điều hành một nhà nghỉ và sau đó ông đầu tư vào bất động sản. Binna nhớ cha mình là một người đàn ông kiệm lời, ông chỉ thể hiện tình cảm của mình đối với con cái thông qua những món quà hiếm khi thể hiện bằng lời nói. Ngay cả khi gia đình cô gặp khó khăn về tài chính, cha cô vẫn tiếp tục mua cho các con những món quà nhỏ và thường đưa gia đình đi ăn, không bao giờ đề cập đến tình hình kinh tế.

Đã hơn một thập kỷ kể từ vụ việc xảy ra, Binna giờ đây có thể thoải mái bộc bạch tâm sự của mình hơn: "Chúng tôi không cảm thấy ổn khi nói về cảm xúc của mình. Đặc biệt là thế hệ trước, tôi nghĩ họ không quen việc chia sẻ cảm xúc của chính bản thân họ và cha mẹ tôi cũng vậy. Tôi thậm chí cũng không biết cách làm thế nào để nói về cảm xúc của tôi", cô gái cho hay.

Binna đã trải qua một khoảng thời gian để cởi lòng mình với chuyên gia tư vấn điều trị cho cô. Và cô cảm ơn nhà trị liệu đã giúp cô vượt qua cú sốc tâm lý. 

"Bệnh dịch" tự tử của người Hàn ở Mỹ: Khi áp lực đè nặng bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại xa xưa và nỗi lòng không phải ai cũng thấu - Ảnh 6.

Một khu phố của người Hàn ở Mỹ.

"Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn sẵn có ở Mỹ hơn là ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều người Hàn nhập cư không coi đó là một giải pháp hiệu quả. Họ lo lắng việc mình bị coi là một kẻ điên hoặc tàn tật. Họ lo sợ có thể kết thúc cuộc đời mình tại một trại tị nạn nào đó", Yoon Im Kane, một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Hàn đang hành nghề ở New York, cho hay.

"Người Hàn Quốc thường không hiểu rằng việc bị trầm cảm và cảm thấy sợ hãi không phải là lỗi của một người nào. Đó là một căn bệnh, không phải là thứ có thể kiểm soát được, cần phải có phương pháp điều trị thích hợp", Christine Joo, một chuyên gia sức khỏe tâm thần phục vụ các nạn nhân bạo lực gia đình là người Hàn Quốc ở Mỹ cho biết.

Theo một số chuyên gia, người Hàn Quốc cảm thấy xấu hổ sâu sắc khi họ bị coi là yếu đuối. Do đó, không những họ tự ngăn cản mình tìm kiếm các dịch vụ sức khỏe tâm thần mà còn cản trở những người thân đi tìm giải pháp điều trị phù hợp.

"Đối với hầu hết người dân New York, người ta chấp nhận việc bạn có một nhà điều trị tâm lý để giúp bạn chia sẻ và giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, trong văn hóa Hàn Quốc điều này không tồn tại", Yoon Im Kane cho hay.

"Bệnh dịch" tự tử của người Hàn ở Mỹ: Khi áp lực đè nặng bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại xa xưa và nỗi lòng không phải ai cũng thấu - Ảnh 7.

Người Hàn không thực sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần của mình.

Ở Mỹ và hầu hết các nơi trên thế giới, đàn ông chết vì tự tử phổ biến hơn nhiều so với phụ nữ. Phụ nữ chiếm khoảng 22% tổng số vụ tự tử ở Mỹ, nhưng phụ nữ Hàn Quốc chiếm khoảng 38% tổng số vụ tự tử. Kane, nhà tâm lý học, cho biết tỷ lệ phụ nữ Hàn tự tử cao so với nam giới có thể bắt nguồn từ truyền thống trọng nam khinh nữ ở đây.

"Bạn cảm thấy mình vô giá trị vì bạn là nữ. Tôi tin rằng điều đó đã khiến phụ nữ dễ dàng tự sát hơn vì họ không cảm thấy được sống một cuộc sống đúng nghĩa", cô Kane cho biết.

Sau khi Binna bình phục, cô chuyển đến sống cùng một gia đình thân quen. Cô tốt nghiệp trung học năm 2008 và vào Đại học Loyola Marymount. Binna lấy bằng truyền thông vào năm 2012. Cô hiện đang sống ở Washington, làm biên tập nội dung cho một công ty quảng cáo.

Binna cho biết cô chưa bao giờ tức giận vì tội lỗi của cha mình năm ấy. "Tôi biết tại sao cha tôi lại làm điều đó và tôi hiểu lúc ấy cha tôi nghĩ gì", cô gái cho hay.

Nguồn: SCMP