Các nhà khoa học chỉ mới phát hiện bệnh Adermatoglyphia tại 4 gia đình trên thế giới.
Trong nhiều thế hệ, những người đàn ông trong gia đình Sarker tại Bangladesh được sinh ra với những đầu ngón tay hoàn toàn mịn màng, tức là họ hoàn toàn không có dấu vân tay. Mặc dù điều đó có thể không phải là vấn đề quá lớn cách đây một hoặc hai thế hệ, nhưng ngày nay, khi các dấu vân trên đầu ngón tay được sử dụng để xác định cá nhân, thì vấn đề của những người đàn ông này trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số người đàn ông trong gia đình Sarker đã không thể lấy được giấy phép lái xe vì thiếu dấu vân tay, trong khi những người khác lại ngại đi du lịch vì sợ gặp rắc rối ở sân bay cũng vì lý do tương tự.
Anh Amal Sarker chia sẻ với phóng viên của BBC rằng: "Tôi đã trả lệ phí, vượt qua kỳ thi, nhưng họ không cấp bằng lái xe vì tôi không thể lăn dấu vân tay. Đây luôn là một điều đáng xấu hổ đối với tôi".
Anh Amal nói thêm rằng anh ấy luôn mang theo chứng nhận giấy phép lái xe khi tham gia giao thông nhưng điều đó không giúp ích được gì khi bị cảnh sát chặn lại. Anh cho họ xem giấy tờ và những đầu ngón tay nhẵn nhụi của mình, nhưng các nhân viên cảnh sát không bao giờ miễn tiền phạt.
Mua thẻ SIM cũng là một vấn đề đối với những người đàn ông trong gia đình Sarker, vì chính phủ Bangladesh đã ban hành luật yêu cầu mua thẻ SIM bằng cách khớp dấu vân tay với cơ sở dữ liệu quốc gia. Không có dấu vân tay, Anh Apu và Amal Sarker không thể đăng ký sim chính chủ và giờ cả hai đều phải mua sim điện thoại bằng tên của mẹ họ.
Những người đàn ông trong gia đình Sarker, sống tại làng Rajshahi, phía bắc Bangladesh, mắc một chứng bệnh di truyền cực kỳ hiếm gặp tên là Adermatoglyphia. Căn bệnh này được biết đến vào năm 2007, khi Peter Itin, một bác sĩ da liễu Thụy Sĩ gặp vấn đề khi nhập cảnh vào Mỹ, vì cô ấy không có dấu vân tay. Mặc dù khuôn mặt của cô ấy giống với tấm hình trên hộ chiếu nhưng các đầu ngón tay của cô ấy hoàn toàn nhẵn nhụi.
Việc kiểm tra dấu vân tay của bệnh nhân Adermatoglyphia đầu tiên này và dấu vân tay của một số thành viên trong gia đình cô cho thấy nguyên nhân của tình trạng này là do đột biến của một gen được gọi là SMARCAD1. Tình trạng này được gọi là "bệnh trì hoãn nhập cư" dường như không gây ra ảnh hưởng sức khỏe nào khác ngoài việc người bệnh đổ mồ hôi ít hơn người bình thường.
Bệnh Adermatoglyphia cực kỳ hiếm đến mức cho đến nay các nhà nghiên cứu trên thế giới mới chỉ ghi nhận trong một số ít các gia đình. Bác sĩ da liễu Eli Sprecher, người đã giúp cô Peter Itin chẩn đoán tình trạng bệnh, đã đề nghị xét nghiệm di truyền những người đàn ông trong gia đình Sarker ở Bangladesh để xác định xem họ có mắc phải một dạng bệnh Adermatoglyphia hay không. Điều này có thể mang lại cho họ một câu trả lời rõ ràng và họ cần phải làm gì để chung sống với căn bệnh này.
"Tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải giải thích tình hình hết lần này đến lần khác. Tôi đã hỏi nhiều người để được tư vấn, nhưng không ai trong số họ có thể cho tôi câu trả lời chắc chắn", anh Apu Sarker, 22 tuổi, phàn nàn.
May mắn thay, công nghệ có thể là cứu cánh đối với những người đàn ông trong gia đình Sarker. Ví dụ, anh Apu, anh trai của anh ấy và cha của họ đã có thể nhận được căn cước công dân bằng cách quét võng mạc.